tháng 1 2014




1.
Lời Chúa khai mầm xuân vũ trụ
Phúc Âm mở lộc thánh gia đình


2.
Giáo xứ bình an mừng Tết đến
Gia đình hạnh phúc đón Xuân sang



3.
Đón Xuân, Lời Chúa đến muôn nhà
Vui Tết, phúc thiêng về khắp xóm


4.
Gia đình hạnh phúc nhờ Lời Chúa
Giáo Xứ an vui bởi Phúc Âm


5.
Đón Xuân hái lộc Lời Hằng Sống
Mừng Tết đơm hoa Ý Phúc Âm


6.
Năm mới vâng nghe Lời Chúa dạy
Xuân sang thực hiện Ý Người ban



7.
Vườn xinh giáo xứ vâng Lời Chúa
Tổ ấm gia đình sống Phúc âm



8.
Cầu Nguyện , yêu thương mừng Tết đến
Thủy chung, phục vụ đón Xuân sang



9.
Cúc Mai đào nở đón Xuân sang
Tin cậy mến dâng mừng Tết đến



10.
Phút giây bền chí sống phúc âm
Năm tháng quyết tâm vâng Lời Chúa



11.
Sống Phúc âm, mỗi gia đình được bình an, hạnh phúc
Vâng Lời Chúa, toàn xã hội nên chính trực, phồn vinh



12.
Sống Phúc âm, gia đình cầu nguyện, yêu thương, thủy chung, phục vụ
Vâng Lời Chúa, xã hội thái bình, thịnh đạt, công lý, văn minh




Hồ Giang A




***************




MỘT SỐ CÂU ĐỐI TẾT KHÁC



13.
Xuân mới chan hoà trên đất nước,
Tin Mừng loan báo đến muôn dân.



14.
Nhật khứ nhật lai, ân Chủ giang,
Xuân hồi xuân tái, phúc Thiên bang.



15.
Tết đến đầu năm, Ơn Chúa viếng,
Xuân qua mãn thọ Phúc con trông.



16.
Thiên Chúa Hồng Ân xuân mãn túc,
Thánh Kinh Bửu huấn nhật quang hoa.
Năm mới thương người, thánh sủng về.



18.
Mừng xuân hỷ xả thêm công đức,
Đón Tết từ bi bớt não phiền.



19.
Mình Chúa dưỡng sức dân, tâm niệm lộc thần phúc vô biên,
Thánh Kinh truyền tình Chúa, thực hành Lời Thánh xuân bất tận.



20.
Tình Chúa tựa ánh xuân, nhân nghĩa ấm nồng che trời đất,
Ơn Trên như mưa móc, đức cao lan toả phủ thế nhân.



21.
Tứ đức duy tân, thế giới thái bình kỳ Chủ hữu
Thất ân y cựu, gia đình hoà thuận ngưỡng thiên ân.
nghĩa là:
Canh tân tứ đức, thế giới thái bình, Trời phù hộ,
Vững mạnh bảy ơn, gia đình hoà thuận, Chúa thông ban.



22.
Gia gia, gia thuận cảnh, tôn hiền tử hiếu tề tụng Chúa,
Hộ hộ, hộ hanh thông, quốc thái dân an cộng hoan Thiên.
nghĩa là
Nhà nhà khá giả thuận hoà, con hiền cháu hiếu, đồng tâm ca tụng Chúa,
Cửa cửa quang thông hoan hỷ, quốc thái dân an, hợp tiếng ngợi khen Trời.



23.
Ơn Chúa tràn đầy, Xuân mới chan hoà trên đất nước,
Lửa Trời chiếu dọi, Tin Mừng rạng tỏ khắp nhân gian.



24.
Ngày xuân kiến tạo bức tranh xuân, vươn tới đỉnh cao Chân – Thiện – Mỹ.
Năm mới dựng xây con người mới, chói ngời gương sáng Đức – Tài – Tâm.



25.
Già mẫu mực, tâm đức nêu gương, việc đạo việc đời, truyền con cháu.
Trẻ xông pha, nhiệt tình phấn đấu, chữ trung, chữ hiếu, học Ông Bà



26.
Duy trì nề nếp, giữ vững thuần phong, nền móng gia đình bền vạn thuở.
Tuân thủ kỷ cương, nối truyền đạo lý, lầu đài tổ quốc vững nghìn thu.



27.
Thiên Chúa vô tư, vi thiện tự nhiên hoạch phúc
Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ tề gia.



28.
Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khoẻ, Tết an khang



29.
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường



17.
Ngày xuân kính Chúa, bình an đến,



(JBP Sưu tầm)


Những năm Ngọ trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam

WHĐ (23.01.2014) – Trước thềm Năm mới Giáp Ngọ, WHĐ điểm lại những sự kiện của lịch sử Giáo hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Ngọ, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam. Qua đó, có thể nhận ra một số sự kiện nổi bật đã diễn ra trong những năm Ngọ: cuộc tử đạo của các thánh Việt Nam vào nhiều năm Ngọ khác nhau; Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (Mậu Ngọ 1798), thiết lập giáo phận Nam Đàng Ngoài (Bính Ngọ 1846), cuộc di cư của hơn nửa triệu tín hữu vào Nam (Giáp Ngọ 1954), lần đầu tiên một người Việt Nam, Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, được bổ nhiệm làm Sứ thần Toà Thánh (Nhâm Ngọ 2002)…

***

Thế kỷ XVI

1558 – Mậu Ngọ
Đời vua Lê Thế Tông, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Alonso da Costa và Gonsalves đến giảng đạo ở vùng Vạn Lại (Thanh Hoá), kinh đô của Nam Triều (tức nhà Lê thời Trung hưng, còn Bắc triều thuộc nhà Mạc, đóng đô ở Cao Bằng).

1582 – Nhâm Ngọ
Đời chúa Nguyễn Hoàng, hai linh mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) giảng đạo tại Quảng Nam.


Thế kỷ XVII

Mậu Ngọ – 1618
Linh mục Cristoforo Borri đến Quy Nhơn truyền giáo. Sau 5 năm hoạt động (1618-1622), ngài biên soạn “Tường trình về Đàng Trong”, xuất bản bằng tiếng Ý và tiếng Pháp năm 1631.

Canh Ngọ – 1630
Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) phải rời khỏi Đàng Ngoài theo lệnh trục xuất của chúa Trịnh Tráng.

Mậu Ngọ – 1678
Ðức Cha Pallu, Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, từ Thái Lan về Rôma, đề nghị Toà Thánh tấn phong giám mục cho sáu trong số các linh mục tiên khởi. Toà Thánh không chấp nhận thỉnh nguyện này.


Thế kỷ XVIII

Nhâm Ngọ – 1702
– Linh mục Raimondo Lezzoli, dòng Đa Minh, được tấn phong giám mục, Đại diện Tông toà giáo phận Đông Đàng Ngoài. Ngài là linh mục dòng Đa Minh đầu tiên được bổ nhiệm giám mục tại Việt Nam.

– Thánh Matthêu Ðậu (Matthaeus Alonso Leciniana) chào đời tại Nava del Rey (Tây Ban Nha). Ngài là linh mục dòng Ða Minh, phục vụ tại giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, tử đạo ngày 22-01-1745 tại Thăng Long, dưới đời chúa Trịnh Doanh.

Giáp Ngọ – 1714
Đức cha Edme Bélot, MEP, kế nhiệm Đức cha Jacques de Bourges (qua đời ngày 09-08-1714) làm Đại diện Tông toà giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Mậu Ngọ – 1738
Ngày 10-10, Đức cha Alexandre de Alexandris, Đại diện Tông toà giáo phận Đàng Trong, qua đời.

Canh Ngọ – 1750
Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1725-1765) ra lệnh trục xuất tất cả các thừa sai. 28 vị thừa sai bị lùng bắt và hạ ngục, trong số đó linh mục Michel de Salamanque (thuộc Dòng Phanxicô Tây Ban Nha) chết rũ tù ngày 14-07-1750.

Giáp Ngọ – 1774
Ngày 24-02, Đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) được tấn phong giám mục tại Ấn Độ (chủ phong là Đức cha Bernardo de São Caetano, OSA, giám mục giáo phận São Tomé Meliapore). Đức cha Pigneau được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà Đàng Trong ngày 24-09-1771, kế vị Đức cha Guillaume Piguel, MEP, qua đời ngày 21-06-1771.

Bính Ngọ – 1786
Thánh Ða Minh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn) chào đời tại Hưng Lập (Nam Ðịnh). Ngài là linh mục dòng Ða Minh, chịu tử đạo ngày 26-11-1839 tại Bảy Mẫu (Nam Định) dưới đời vua Minh Mạng.

Mậu Ngọ – 1798

– Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Năm 1798, vua Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) ra lệnh tiêu diệt các họ đạo, tàn sát giáo dân. Các tín hữu phải lánh nạn, trốn trong rừng La Vang (Quảng Trị). Tại đây Ðức Mẹ hiện ra an ủi và che chở các tín hữu.

– Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng, chào đời tại Kẻ Non (Hà Nam). Ngài chịu tử đạo ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây, dưới đời vua Minh Mạng.

– Ngày 17-09, thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục, chịu tử đạo tại Bãi Dâu (Huế).

– Ngày 28-10, thánh Gioan Đạt, linh mục, chịu tử đạo tại Chợ Rạ (Thanh Hoá).


Thế kỷ XIX

Canh Ngọ – 1810
Thánh Tôma Nguyễn Văn Ðệ, dòng Ba Đa Minh, chào đời tại làng Bồ Trang (giáo xứ Bồ Ngọc, Thái Bình), chịu tử đạo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mễ (Bắc Ninh) đời vua Minh Mạng.

Nhâm Ngọ – 1822
Thánh Augustinô Schoeffler (Ðông), linh mục Hội Thừa sai Paris, chào đời tại Mittelbonn, Nancy (Pháp), chịu tử đạo ngày 01-05-1851 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức.

Giáp Ngọ – 1834
– Vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo. Đây là một trong bảy sắc chỉ cấm đạo dưới thời Minh Mạng.
– Linh mục Odorico da Collodi (cố Phương), thừa sai người Bồ Đào Nha, chết rũ tù tại Lao Bảo (Quảng Trị) ngày 23-05. Ngài là vị thừa sai cuối cùng của dòng Phanxicô tại Việt Nam.

Bính Ngọ – 1846
Ngày 27-03, Toà Thánh thiết lập giáo phận tông toà Nam Đàng Ngoài và đặt Đức cha Jean-Denis Gauthier Hậu (thuộc Hội Thừa sai Paris) làm giám quản tông toà. Giáo phận Nam Đàng Ngoài được tách từ giáo phận Đàng Ngoài (nay là Tổng giáo phận Hà Nội), gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần Quảng Bình. Ngày 03-12-1924, giáo phận Nam Đàng Ngoài được đổi tên thành giáo phận Vinh.

Mậu Ngọ – 1858
– Ngày 06-10, thánh Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội, sinh quán Phan Xá, Triệu Phong (Quảng Trị), chịu tử đạo tại An Hoà (Huế), thời Tự Đức.
– Ngày 05-11, thánh Đa Minh Hà Trọng Mậu, linh mục dòng Đa Minh, sinh quán Phú Nhai, Bùi Chu (Nam Định), chịu tử đạo Hưng Yên, thời Tự Đức.

Canh Ngọ – 1870
– Hội Thừa sai Paris xây Chủng viện Penang (Malaysia). Đây là nơi đào tạo linh mục bản xứ của các nước Á châu. Trước khi chủng viện được xây mới, thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh, học giả Petrus Trương Vĩnh Ký… đã theo học tại đây.
– 15-10, Đức cha Hilarión Alcázar, O.P., giám quản tông toà Đông Đàng Ngoài (nay là giáo phận Hải Phòng) qua đời tại Hải Phòng.


Thế kỷ XX

Bính Ngọ – 1906
Ngày 22-12, Đức cha Paul-Léon Seitz, thuộc Hội Thừa sai Paris, chào đời tại Le Havre (Pháp). Ngài nguyên là giám mục giáo phận Kontum (1952-1975) và nghị phụ tham dự các khoá họp 1, 2 và 4 của Công đồng Vatican II.

Canh Ngọ – 1930
Ngày 1-05, Đức cha Augustin-Marie Tardieu, Hội Thừa sai Paris, giám quản tông toà giáo phận Qui Nhơn, được tấn phong giám mục.

Giáp Ngọ – 1954
– Ngày 30-03, Đức Tổng Giám mục John Jarlath Dooley, Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương, chủ trì Hội nghị Báo chí Công giáo với sự tham dự của 13 đại diện các báo Công giáo, nhằm tìm cách phổ biến sâu rộng nền giáo dục Công giáo. Hội nghị đã thành lập Uỷ ban liên lạc báo chí Công giáo Việt Nam. Uỷ ban đã không thực hiện đuợc nhiệm vụ do Hội nghị đề ra, vì biến cố di cư 1954.

– Sau Hiệp định Genève 20-07, hơn 670.000 tín hữu miền Bắc di cư vào Nam. Các giáo phận miền Bắc bước vào một giai đoạn khó khăn. Các tín hữu di cư nhanh chóng ổn định cuộc sống và góp phần xây dựng Giáo hội tại các giáo phận miền Nam.

Bính Ngọ – 1966
Ngày 03-07, Đức cha Paul Raymond-Marie-Marcel Piquet (1888-1966), giám mục tiên khởi giáo phận Nha Trang, nguyên nghị phụ tham dự các khoá họp 1 và 2 của Công đồng Vatican II, qua đời tại Nha Trang.

Mậu Ngọ – 1978
– Ngày 17-06, Ðức cha Phaolô Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Vinh, từ trần tại Xã Ðoài, Nghệ An, hưởng thọ 66 tuổi.
– Ngày 27-11, Ðức Hồng y tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng giám mục Hà Nội, từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi.

Canh Ngọ – 1990
– Ngày 01-02 (mùng 6 tết Canh Ngọ), Ðức cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục giáo phận Thanh Hoá, từ trần tại Thanh Hoá, hưởng thọ 77 tuổi.

– Ngày 18-06, Ðức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Hà Nội, từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.

– Ngày 20-06, Ðức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục giáo phận Cần Thơ, từ trần tại Cần Thơ, hưởng thọ 81 tuổi.

– Ngày 03-07, Ðức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột, từ trần tại Ban Mê Thuột, hưởng thọ 77 tuổi.

– Ngày 16-09, bảy điểm giữ trẻ thuộc các dòng tại các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 1, Quận 3, Phú Nhuận, như: MTG Thủ Thiêm, MTG Tân Việt, Thánh Phaolô thành Chartres, Bác Ái Vinh Sơn, Đức Bà Truyền Giáo và Nazareth lần đầu tiên kể từ 1975 được cấp giấy phép hoạt động.

– Ngày 07-11, phái đoàn Toà Thánh gồm: Đức Hồng y Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cor Unum (Trưởng đoàn), Đức ông Claudio Celli, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, đến Việt Nam hội đàm với Chính phủ Việt Nam.

– Ngày 24-11, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tiếp phái đoàn “ad limina” của các giám mục Việt Nam, về Rôma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

– Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được Toà Thánh bổ nhiệm Giám quản giáo phận Thái Bình (tháng 05-1990) và Giám mục chính toà Thái Bình (03-12-1990).


Thế kỷ XXI

Nhâm Ngọ – 2002
– Từ ngày 04 đến 11-07, Phái đoàn đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng thăm chính thức Hội đồng Giám mục Philippines. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm chính thức một Giáo hội nước ngoài.

– Từ ngày 18 đến 28-7, Đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Toronto, Canada.

– Ngày 16-09, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình, từ trần tại Rôma. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chủ sự Thánh lễ an táng.

– Từ ngày 07 đến 11-10, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên tại Hà Nội.

– Ngày 25-11, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt làm Sứ thần Toà Thánh tại Bénin và Togo.


WHĐ 











Chúng ta luôn có một chút sợ hãi khi nghĩ đến tuổi già của mình, cái tuổi báo hiệu cho ta biết ngày tàn của sự sống. Như ánh tà dương luôn khiến ta cảm thấy bồi hồi, buổi xế chiều của cuộc đời cũng làm ta không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc. Chẳng ai muốn mình già đi, nhưng tuổi già vẫn cứ đến như một định luật của thời gian, mang đi của ta tất cả. Sức sống của tuổi trẻ, sự hăng hái của tuổi trẻ, sức sáng tạo… tất cả đều có phần mai một trong ta. Dù có sang trọng mấy, danh vọng mấy, tài hoa mấy… cũng sẽ đến lúc ta chẳng còn hăm hở gì với nó vì phải chống chọi với bệnh tật, với sự suy yếu của cơ thể. Sinh, bệnh, lão, tử. Ta biết rõ rành rành tiến trình này của tự nhiên. Tuổi già báo cho ta biết về một đoạn đường dài sắp chấm hết và đưa ta về với một cõi xa xăm, mơ hồ nào đấy. Vô định mà cũng lắm bâng khuâng!

Người già là người đã đi qua một chặng đường dài của cuộc sống, đã đối diện với không biết bao nhiêu những vui buồn của kiếp nhân sinh. Họ đã gặp không biết bao nhiêu con người khác cùng đi trên chuyến hành trình, có khi thoáng chốc, có lúc lâu bền. Họ đã đi qua không biết bao nhiêu phong ba bão táp của những nghịch cảnh, đã được tôi luyện bằng ngọn lửa của gian nan, vất vả. Có thể họ có một thời vấp ngã, nhưng họ đã đứng lên và làm lại cuộc đời, tiếp tục vun đắp và cống hiến cho thế giới bằng tài sức của họ. Được mài dũa, được trui rèn, giờ đây họ như một cây cổ thụ sừng sững hiên ngang, cành lá sum suê với bao nhiêu kinh nghiệm, che phủ cho lớp lớp cây con đang chập chững vươn lớn. Đôi bàn tay của họ đã lấm lem bao cực nhọc để mưu sinh cho chính mình, và cho gia đình. Đôi bàn chân họ đã đi qua biết bao ngã đường trên thế giới. Đôi mắt họ đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đời, tình huống, cả buồn lẫn vui. Đôi tai của họ đã nghe tỷ tỷ câu chuyện buồn vui nơi nhân tình thế thái. Người già luôn được xem là kho tàng của những bài học và kinh nghiệm quý báu, vốn là kết quả của những hy sinh, đau khổ, nước mắt của chính họ.

Sinh ra vào đời, con người dần dần làm quen với cuộc sống với bao điều mới lạ. Khi lớn lên, con người cùng chung tay nhau đắp xây thế giới bằng nhiệt huyết đầy sức trẻ của mình. Đến khi sức khỏe không còn cho phép nữa, con người lui về nghỉ ngơi, nhường sân chơi cho thế hệ nhỏ hơn. Tuổi già đến, đấy là lúc người ta được mời gọi để nghỉ ngơi sau một chặng đường dài lao nhọc vất vả. Đấy là tuổi người ta không còn phải bận tâm đến chuyện mưu sinh, đến những tính toán, nhưng chỉ để tâm hồn được thư thái thong dong, để tinh thần được hòa mình với thiên nhiên, với mây trời gió biếc. Vòng đời như xoay ngược, tuổi già cũng hệt như tuổi thơ, họ cần người khác nâng niu, chiều chuộng, muốn được quan tâm nhiều hơn, hỏi han nhiều hơn. Khi thấy cuộc đời mình sắp tàn đi như ngọn đèn leo lét, họ ước mong nhìn thấy những em bé đang chập chững bước đi, họ hạnh phúc khi nhìn những búp măng non đang lớn, vì nơi ấy, họ không thấy sự sống tàn lụi, nhưng được thông chuyển cho các thế hệ sau. Ánh mắt của người ta luôn là ánh chất chứa bao nhiêu dòng cảm xúc, họ nhiều về quá khứ, và đang đợi chờ một lương lai cách chia nào đó sẽ đến vào một ngày không xa.

Thật phúc thay cho những người già nào ở cái tuổi xế chiều mà được hưởng vui vầy bên con cháu. Sẽ không có một niềm an ủi nào hơn thế. Bầu khí gia đình thân yêu sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những giá băng trong lòng họ. Đã một đời hy sinh, nay họ xứng đáng được vui hưởng tuổi già của mình. Trong gia đình, họ sẽ trở thành một chỗ dựa cho thế hệ trẻ, là nguồn vui và cũng là kho tàng những bài học khôn ngoan trong cung cách hành xử giữa đời.

Thế nhưng, không phải người già nào cũng có được diễm phúc như thế. Vẫn còn đó những cụ già bị con cái đem vào nhà dưỡng lão chẳng bao giờ ghé thăm. Vẫn còn đó những cụ già bị con cái lợi dụng, lừa gạt chiếm đoạt hết tài sản rồi bỏ mặc chẳng quan tâm. Còn biết bao cụ già, tuổi đã gần đất xa trời, vẫn phải khom lưng gánh hàng rong đi bán. Còn biết bao cụ già ngồi lê lết bên vệ đường, ngửa tay xin chút lòng xót thương của thế nhân bạc bẽo. Cả một đời đơn côi, đến cái tuổi đáng lẽ phải được nghĩ ngơi, các cụ vẫn phải bôn ba xuôi ngược vì miếng cơm manh áo. Có những cụ phải chịu hoàn cảnh như thế vì số phận lênh đênh, nhưng cũng có cụ là hậu quả của những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, chỉ biết quan tâm đến lợi ích của riêng mình.

Giờ đây, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những người già khắp nơi trên thế giới này. Trong đó có cả ông bà cha mẹ của chúng ta. Sẽ không thể có ta ngày hôm nay nếu như không có họ. Công sức, mồ hôi, nước mắt của họ đã góp phần làm nên thế giới mà ta đang được hưởng dùng đây. Xin Chúa trả công cho họ xứng với những gì họ đã hy sinh cho chúng ta. Cầu nguyện cho người già cũng là cầu nguyện cho thế hệ trẻ chúng ta luôn biết kính trọng và giúp đỡ họ, để họ có được chút thảnh thơi yên vui, trước khi về với cuộc sống khác.



Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Trong những giây phút cuối cùng của năm cũ này, chắc có lẽ mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy có chút bâng khuân là lạ. Có một cái gì đó sắp qua đi. Một chặng đường của cuộc sống đã trôi về quá khứ. Một năm trước, khoảng thời gian vừa rồi vẫn còn nằm trong dự tính và chờ đợi của ta. Giờ đây, nó đã đi qua lúc nào không biết, hệt như một thoáng giây, như thước phim ghi lại bao kỷ niệm ngọt ngào và êm ái. Cứ mỗi độ cuối năm là ta cảm thấy bồi hồi, một cảm xúc thật khó tả. Ngọn gió quen thuộc như ngày nào, cành mai, cành đào đang hé nở, bánh mứt, hạt dưa đã chuẩn bị sẵn sàng, bầu không khí vừa hạnh phúc, vừa lâng lâng như bao trùm cả đất trời, hòa quyện vào tim ta, làm nên một phần của con người ta. Lại một đoạn đường nữa đã qua đi, trẻ thơ thì vui mừng vì mình được thêm một tuổi mới, người già thì có chút lắng lo vì mình đang tiến gần hơn đến khoảnh khắc phải ra đi. Tóc bạc thêm vài sợi, da chùn đi một tí… Cái kết thúc luôn làm ta chạnh lòng với những cảm xúc vui buồn trộn lẫn. Thế nên, nó mới làm ta thấy nao nao.Một năm qua đi, biết bao ơn lành Chúa ban xuống trên ta. Dẫu cũng có không ít những thăng trầm trong cuộc sống, nhưng dường như mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, cũng qua đi cách nhẹ nhàng. Ít ra, cho đến giây phút này, ta và gia đình vẫn còn được sống, được bình an, được vui hưởng thêm một khoảng thời gian nữa trên cõi đời. Công ăn việc làm có thể không như ta mong đợi, nhưng ngày ba bữa cơm, Chúa vẫn ban cho đủ. Đông sang trở trời, ta vẫn có cái để mặc cho ấm thân. Một năm qua, ta gặp gỡ thêm biết bao nhiêu con người mới, thiết lập thêm bao mối tương quan. Cuộc sống của ta như được mở ra hơn với những tương quan ấy. Họ đến trong đời mình, chia sẻ với mình những nỗi buồn vui. Hành trình tại thế của ta nhờ vậy là bớt đi phần đơn côi, trống vắng. Suốt một năm qua, có biết bao lần Chúa che chở cho ta cách âm thầm mà ta không hề biết. Biết đâu có lần nào đấy, mình suýt bị tai nạn giao thông, nhưng may mà không sao cả. Có lần mình mắc một căn bệnh thập tử nhất sinh, nhưng Chúa đã cho tai qua nạn khỏi. Có lần gia đình lục đục, cãi vã tưởng sẽ dẫn đến những rạn nứt hay chia lìa, nhưng cuối cùng mọi chuyện của qua đi… Bàn tay của Chúa vẫn bao bọc lấy ta. Ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa!Nhưng một năm qua, cũng có biết bao điều ta làm gây tổn thương cho người khác, lỗi nghĩa cùng Chúa, khiến cho cuộc sống ta chẳng mấy khi bình an. Dường như ta không hăm hở mấy chuyện thiêng liêng đạo nghĩa. Dường như ta có phần chểnh mảng chăm lo chuyện đi lễ đọc kinh. Dường như có lúc ta còn lo cho mình hơn là hy sinh cho gia đình, cho người bạn đời và cho những đứa con yêu dấu. Biết đâu cũng có vài lần ta vô tình nói những điều khiến bố mẹ phải buồn sầu mấy hôm. Rồi lắm khi ta ham chơi, không chịu nghĩ đến những hy sinh gia đình dành cho mà học tập cho nghiêm túc. Ta còn sa đà vào những đam mê xấu, những trò trụy lạc mà đám bạn rủ rê. Có lúc ta còn không kiềm chế cảm xúc nóng giận của mình mà gây gỗ với người hàng xóm, làm tương quan giữa hai nhà bỗng trở nên căng thẳng, nặng nề. Ta cũng đã đánh mất đi cơ hội làm một điều tốt giúp tha nhân. Ta đã không dám đưa tay ra nâng đỡ một người anh chị em đang gặp túng thiếu. Ta vẫn còn co cụm trong thế giới riêng của mình, không dám bung mình ra để nói một lời an ủi, một lời yêu thương. Biết đâu, một năm qua, có người thân nào đó của ta về với Chúa mà ta không kịp tiễn đưa, và giờ đây, ta thấy trong lòng nuối tiếc. Nếu có làm điều gì đó không được đẹp ý Chúa, các bạn hãy xin lỗi Chúa.Nhìn lại một năm, đó không phải là khoảnh khắc ta lôi ra những gì để xảy đến trong quá khứ để dày vò bản thân. Nhưng đó là cơ hội để ta thêm một lần nữa nhận ra hình bóng của Chúa vẫn song hành bên ta trong từng bước đi của cuộc sống, để tạ ơn Người, để xin lỗi Người, để tâm sự với Người, để kể cho Người những nỗi niềm của ta. Tết năm nay chắc là cũng có điều gì đó khác năm trước: số lượng thành viên không còn đủ, hay có thêm những thiên thần nhỏ bé khác vừa mới chào đời. Tất cả đều là ân sủng của Chúa.Một năm qua, cuộc sống của các bạn có vui không? Đâu là niềm vui lớn nhất của các bạn? Có điều gì xảy đến trong năm qua mà đến bây giờ, các bạn vẫn còn thấy áy náy trong lòng? Có tương quan nào đang rạn nứt mà đến bây giờ bạn vẫn chưa để gàn gắn lại không? Có dự phóng nào mà bạn đã vạch ra hồi năm trước vậy mà đến bây giờ bạn vẫn chưa thể làm được không? Ngẫm nghĩ lại tất cả những gì đã xảy đến, bạn thấy vui hay buồn?Chúng tôi xin mời các bạn hãy tự mình thưa lên cùng Chúa một lời nguyện ngắn nào đó, đúc kết trọn vẹn tâm tình mà bạn đang có lúc này đây, một lời nguyện chân thành và tha thiết nhất.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ







Con Rắn vô cùng nham hiểm, nhưng nó không làm được gì con cái của Thiên Chúa. Nó đã từng cám dỗ Bà Eva bất tuân lệnh Chúa mà ăn trái cấm (St 3:4) và còn rình cắn gót chân người đàn bà vì Thiên Chúa đặt mối thù giữ nó và người đàn bà này (St 3:15). Nhưng rồi nó chẳng làm được trò trống gì ráo trọi!


Năm Quý Tỵ đã qua, tức là con Rắn đã phải trườn bò đi nhanh vì không làm được gì. NămGiáp Ngọ đến, tức là con Ngựa đang phi nước kiệu tới, càng lúc càng gần…


Ca dao, tục ngữ và thành ngữ nói nhiều về Ngựa. Người ta dùng Ngựa để ví von nhiều thứ. Về sự thẳng thắn: “Thẳng như ruột Ngựa”; về tình đoàn kết: “Một con Ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; về sự nhanh nhẹn:“Nhanh như Ngựa vía”; về sự bất lương: “Đầu Trâu, mặt Ngựa”; về sự phú quý: “Lên Voi, xuống Ngựa”; về sự không trung thành: “Thay Ngựa, đổi chủ”; về sự tham lam: “Được đầu Voi, đòi đầu Ngựa”; về sự may rủi: “Tái ông mất Ngựa”; về sự bền chí: “Muốn đi xa phải giữ sức Ngựa” (ngạn ngữ Pháp); về sự lãnh đạo: “Cầm cương, nảy mực”; về sự cẩn trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn Ngựa đuổi không kịp)…


Người ta cũng “rút” được kinh nghiệm này: “Ở đời có ba cái dại: Một là đứng trước con ngựa, hai là đứng sau con bò, ba là đứng bên cạnh đàn bà”. Có thật vậy không? Phàm điều gì cũng vậy, có phần đúng và phần không đúng, tùy trường hợp.


Còn Kinh thánh nói gì về con Ngựa? Ngựa tốt hay xấu? Kinh thánh có nhiều chuyện về Ngựa, nhiều lần đề cập con Ngựa, chỉ riêng Chúa Giêsu lại không hề nhắc tới con Ngựa lần nào.


Sách Sáng Thế nói: “Người ta đưa các đàn vật của họ đến cho ông Giuse, và ông đã cho họ bánh, đổi lấy ngựa, lấy đàn chiên dê, đàn bò và lấy lừa. Năm đó, ông cung cấp bánh cho họ, đổi lấy tất cả những đàn vật của họ” (St 47:17).
Sách Xuất Hành cho biết: “Nếu ngươi không chịu thả cho chúng đi, mà cứ cầm giữ lại, thì này tay của Đức Chúa sẽ giáng ôn dịch rất nặng xuống trên súc vật của ngươi ở ngoài đồng, trên ngựa, lừa, lạc đà, bò bê và chiên cừu” (Xh 9:2-3).


Sách Đệ Nhị Luật kể lại: “Người cho nó phóng ngựa trên các vùng đất cao trong xứ, nó được ăn hoa màu đồng ruộng; Người cho nó nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương” (Đnl 32:13).
Sách Giô-suê tường thuật: “Chúng ra đi, chúng và tất cả các binh sĩ của chúng, một đám dân đông đảo, nhiều như cát ngoài bãi biển, cùng với vô số ngựa xe” (Gs 11:4).


Về chiến thắng ở Mê-rôm, chính Thiên Chúa đã phán với ông Giô-suê: “Đừng sợ chúng, vì ngày mai cũng vào giờ này, Ta sẽ nộp thây của tất cả bọn chúng cho Ít-ra-en; ngươi sẽ chặt nhượng chân ngựa và phóng hoả đốt chiến xa của chúng” (Gs 11:6). Và Kinh thánh cho biết: “Ông Giô-suê xử với quân thù như Đức Chúa đã phán với ông: Ông đã chặt nhượng chân ngựa và phóng hoả đốt chiến xa” (Gs 11:9).


Sách Thủ Lãnh nói: “Vó ngựa vang rền trên mặt đất, đoàn thiên lý mã phi nhanh, phi thật nhanh” (Tl 5:22).
Khi dân xin một ông vua, Sa-mu-en nói: “Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông” (1 Sm 8:11).
Sách Sa-mu-en cho biết: “Vua Đa-vít bắt được của vua ấy một ngàn bảy trăm kỵ binh và hai mươi ngàn bộ binh; và vua Đa-vít đã cắt gân chân tất cả những con ngựa kéo xe, chỉ chừa lại một trăm” (2 Sm 8:4).


Sách Sa-mu-en tường thuật: “Áp-sa-lôm đóng cho mình một cỗ xe, với những con ngựa và năm mươi người hộ tống” (2 Sm 15:1). Áp-sa-lôm đã thưa với vua: “Xin cho phép con đi Khép-rôn để con giữ trọn lời đã khấn hứa với Đức Chúa, vì khi còn ở Gơ-sua miền A-ram, tôi tớ ngài đã có lời khấn hứa rằng: Nếu quả thực Đức Chúa cho con trở về Giêrusalem, thì con sẽ thờ phượng Đức Chúa” (2 Sm 15:7-8). Vua chúc y đi bình an. Y lên đường đi Khép-rôn nhưng đã tạo phản và lên ngôi tại Khép-rôn (2 Sm 15:10).


Hoàng tử A-đô-ni-gia, con của bà Khác-ghít, tự xưng vương mà rằng: “Ta sẽ làm vua!”. Chàng sắm xe,ngựa, và kiếm được năm mươi người chạy đàng trước mình (1 V 1:5).


Sách các Vua cho biết: “Vua Sa-lô-môn có bốn ngàn ngăn chuồng cho ngựa kéo và mười hai ngàn con ngựa cưỡi” (1 V 5:6). Hoặc nhắc tới Ngựa theo cách khác: “Tất cả các thành làm kho dự trữ mà vua Sa-lô-môn sẵn có, các thành giữ xe trận, các thành nuôi ngựa và tất cả những gì vua Sa-lô-môn muốn xây cất ở Giêrusalem, ở Li-băng và trong toàn lãnh thổ thuộc quyền vua” (1 V 9:19).


Nói về xa mã của Vua Sa-lô-môn, sách các Vua cho biết: “Mỗi vị đều mang lễ vật: đồ bạc, đồ vàng, y phục, vũ khí, hương liệu, ngựa và lừa. Cứ thế từ năm này qua năm khác.26 Vua Sa-lô-môn tập trung xe và ngựa, xe có một ngàn bốn trăm cỗ, và ngựa có mười hai ngàn con. Vua để chúng ở các thành có xe, bên cạnh vua tại Giêrusalem” (1 V 10:25-26).


Và cũng nói tới giá mua Ngựa: “Ngựa của vua Sa-lô-môn được nhập từ Ai-cập và Cơ-vê. Các thương gia của vua đến tận Cơ-vê mua ngựa theo đúng giá. Một chiếc xe bán ra từ Ai-cập là sáu trăm se-ken bạc, và một con ngựa là một trăm năm mươi. Đối với tất cả các vua Khết và các vua A-ram, nhờ các thương gia làm trung gian mua vào, thì cũng thế” (1 V 10:28-29).


Sách Công Vụ cho biết: “Phải có sẵn ngựa cho ông Phaolô, để đưa ông ấy an toàn đến với tổng trấn Phê-lích” (Cv 23:24). Còn Thánh Gia-cô-bê dùng hình ảnh con Ngựa để nói về con người: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Nói về ngựa để nói về con người: “Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao!” (Gc 3:3-5).



Sách Khải Huyền nhắc tới Ngựa nhiều nhất trong các sách trọn bộ Kinh thánh:


1. “Tôi thấy một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6:2).

2. “Một con ngựa khác đi ra, đỏ như lửa, người cỡi ngựa nhận được quyền cất hoà bình khỏi mặt đất, để cho người ta giết nhau; người ấy được ban một thanh gươm lớn. Khi Con Chiên mở ấn thứ ba, thì tôi nghe Con Vật thứ ba hô: ‘Hãy đến!’. Tôi thấy: kìa một con ngựa ô, và người cỡi ngựa cầm cân trong tay” (Kh 6:4-5).

3. “Tôi thấy một con ngựa xanh nhạt, và người cỡi ngựa mang tên là Tử thần, có Âm phủ theo sau” (Kh 6:8).

4. “Hình dạng châu chấu giống như ngựa sẵn sàng vào trận; trên đầu chúng có cái gì như thể triều thiên bằng vàng, còn mặt chúng thì như mặt người” (Kh 9:7).

5. “Ngực chúng khác nào áo giáp sắt, và tiếng cánh chúng đập, như tiếng xe nhiều ngựa kéo đang xông vào trận” (Kh 9:9).

6. “Trong thị kiến, tôi thấy ngựa và người cỡi ngựa như thế này: chúng mặc áo giáp màu lửa, màu huỳnh ngọc và diêm sinh; đầu ngựa như đầu sư tử, và mõm chúng phun ra lửa, khói và diêm sinh. Một phần ba loài người bị ba tai ương ấy giết, tức là lửa, khói và diêm sinh từ mõm ngựa phun ra. Quả thế,quyền phép của ngựa thì ở mõm và ở đuôi chúng, vì đuôi chúng như rắn, có đầu, và chúng dùng đầu ấy mà làm hại” (Kh 9:17-19).

7. “Người ta đạp nho trong bồn đặt ở ngoài thành, máu tự bồn trào ra ngập đến hàm thiếc ngựavà lan đến một ngàn sáu trăm dặm” (Kh 14:20).

8. “Hàng hoá đó là: vàng, bạc, đá quý, ngọc trai; vải gai mịn, vải đỏ tía, tơ lụa, vải đỏ thẫm; gỗ trầm, đồ bằng ngà, đồ bằng gỗ quý, bằng đồng, bằng sắt, bằng cẩm thạch; quế, sa nhân, hương thơm, mộc dược, nhũ hương; rượu, dầu, tinh bột, lúa mì, súc vật, chiên cừu, ngựa, xe, thân xác, và cả linh hồn người ta nữa” (Kh 18:12-13).

9. “Tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là Trung thành và Chân thật, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến” (Kh 19:11).

10. “Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh” (Kh 19:14).

11. “Tôi lại thấy Con Thú và vua chúa trên mặt đất, cùng với các đạo quân của chúng, tụ tập lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và đạo quân của Người” (Kh 19:19).

12. “Những người còn lại bị thanh gươm phóng ra từ miệng Đấng cỡi ngựa giết chết, và mọi loài chim được ăn no thịt của chúng” (Kh 19:21).

Nói về Ngựa trong Kinh thánh, có lẽ đặc biệt nhất là “cú ngã ngựa chí mạng và nhớ đời” của Thánh Phaolô, nhờ cú ngã ngựa đó mà ông “nên người”. Khi ông hăng hái và hung hãn phi ngựa đi khắp nơi lùng bắt những người “cả gan” dám tin theo Chúa Giêsu, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4).


Thánh Phaolô kể lại: “Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14).
Thật may phước cho ông, vì ông được Thiên Chúa bảo vào thành và được ông Kha-na-ni-a đặt tay và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần” (Cv 9:17).


Từ đó, một Sao-lê bạo ngược đã biến thành một Phaolô nhân chứng nhiệt thành của Đức Kitô. Và mỗi khi có thể, Thánh Phaolô vẫn vui vẻ hay nhắc lại “kỷ niệm” cũ: “Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 22:1).


Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi chúng con thành những “ngựa chiến” của Ngài, để chúng con luôn phi nước đại khi làm chứng về Ngài trên đường lữ hành trần gian, và cuối cùng sẽ phi thẳng về gặp Ngài nơi Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU
Xuân Giáp Ngọ – 2014




Những tâm tình và quyết tâm đầu năm.

Ai cũng biết cuộc đời không hoàn hảo,
Bởi nơi đâu cũng thấy lắm buồn phiền,
Cho dù thế bạn vẫn mãi ngợi khen,
Dù đang sống qua những ngày khốn khổ.
Đừng hờn căm hoặc mở lời than thở
E ngại gì khi Chúa ở cùng ta?
Gió có to, cùng bão táp phong ba...
Hãy trông cậy Đấng Toàn Năng Bất Diệt.
Im lặng tin vào những điều mình biết
Không Tình Người cuộc sống sẽ ra sao?
Lấy đâu ra niềm vui lẫn tự hào?
Mãi cảm tạ vì những ơn quí giá
Người luôn ban, với tình yêu cao cả
Ôi! hãy ra cho khỏi “chốn thương đau”
Phải biết rằng khi tha thiết nguyện cầu
Quyền năng Người sẽ đem về chiến thắng,
Rạng ngời lên trong bóng đêm cay đắng.
Sao cứ chờ cứ đợi ở tương lai,
Thay vì nhìn hiện tại mỗi ban mai?
Ước mong bạn sống tâm tình cảm tạ
Vào những ngày sung túc hoặc tả tơi.
Xưng danh Người ở mọi lúc mọi nơi
Yêu mến Chúa... Bạn không còn buồn bã.

Trần Duy Nhiên dịch



*******ALPHABET REFLECTIONS Although things are not perfect 


Because of trial or pain
Continue in thanksgiving
Do not begin to blame
Even when the times are hard
Fierce winds are bound to blow
God is forever able
Hold on to what you know
Imagine life without His love
Joy would cease to be
Keep thanking Him for all the things
Love imparts to thee
Move out of "Camp Complaining"
No weapon that is known
On earth can yield the power
Praise can do alone
Quit looking at the future
Redeem the time at hand
Start every day with worship
To "thank" is a command
Until we see Him coming
Victorious in the sky
We'll run the race with gratitude
Xalting God most high
Yes, there'll be good times and yes some will be bad, but...
Zion waits in glory...where none are ever sad!


Because of trial or pain Continue in thanksgiving Do not begin to blame Even when the times are hard Fierce winds are bound to blow God is forever able Hold on to what you know Imagine life without His love Joy would cease to be Keep thanking Him for all the things Love imparts to thee Move out of "Camp Complaining" No weapon that is known On earth can yield the power Praise can do alone Quit looking at the future Redeem the time at hand Start every day with worship To "thank" is a command Until we see Him coming Victorious in the sky We'll run the race with gratitude Xalting God most high Yes, there'll be good times and yes some will be bad, but... Zion waits in glory...where none are ever sad!


*****

Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, 365 ngày cũvới những dang dở thiếu sót đã sang trang, nhường chỗ cho 365 ngày mớitốt đẹp hơn, thánh thiện hơn!

Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa từ chữ A đến chữ Zmỗi khi con dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm tình của mình.

Xin cho con luôn nhớ đến Chúa…mỗi khi con khóc hay cười, buồn hay vui; mỗi khi con thất bại hay thành công;trong những lúc con giận dữ hay tuyệt vọng;trong mỗi cảm xúc con người của mìnhcon đều nhớ có Chúa đang ở cùng con. 365 ngày trước mắt sẽ là một đoạn đườngngập đầy hoa và tiếng chim hót nếu con tung tăng đi bên Chúa mỗi ngày.

Lạy Chúa,xin ở cùng con mỗi ngày trong suốt 365 ngày mới này.

Amen!


Cỏ Đuôi Gà sưu tầm

WGPSG -- Thi thoảng gia đình, người thân chia sẻ, trao đổi với nhau về cuộc sống.

Lòng người hết sức tự nhiên sẽ chạnh thương khi thấy những người nghèo sống thiếu thốn hay bị đẩy ra bên lề của cuộc sống.

Cách đây vài hôm, như mọi lần thăm hỏi, người cô vào đề ngay trước khi chia sẻ về cuộc sống, đó là chuyện cô đọc được thông tin của một sinh viên nghèo nào đó phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Cô tìm địa chỉ để liên lạc chia sẻ nhưng chỉ biết tên của người sinh viên đó, ngoài ra không biết gì hơn về địa chỉ hay số điện thoại để liên lạc.

Cô kể ra và tôi nghe. Nghe xong tôi cũng đành chịu bởi lẽ cái biển người nghèo chạy ăn từng bữa và thiếu trước hụt sau quá nhiều. Chưa lo đủ cái ăn làm sao lo đến chuyện học nên dù có đậu đại học đi chăng nữa nhưng cổng trường còn ở thật xa với những người nghèo.

Những người tha hương cầu thực quá vất vả để lo toan cho cuộc sống. Thế nhưng, khi rảnh rỗi, họ đọc tin tức và đâu đó bất chợt gặp những hoàn cảnh khó khăn lòng của họ lại hướng về với những người nghèo, những người kém may mắn để sẻ chia.

Đây không phải là lần đầu tiên gặp những người có thiện ý sẻ chia như vậy. Nhiều lần nhiều lúc người thân cũng đã dò đến địa chỉ để sẻ chia dẫu rằng sự sẻ chia đó quá ít so với nhu cầu thực tế của những người nghèo. Nhưng, dù sao đi chăng nữa người nghèo cũng nhận được chút tấm lòng của người đồng loại.

Với những người thân quen, với những tấm lòng chạnh thương là như vậy. Họ cũng phải đi cày, họ cũng phải quá vất vả để đi kiếm tiền nhưng họ tằn tiện để giúp những người đồng loại kém may mắn.

Trở về với thực tại của cuộc sống, không phải những ngày này nhưng quá khứ cũng đã có những câu chuyện buồn của cuộc sống. Những câu chuyện buồn đó là những đồng tiền được người ta chuyền tay nhau chi dùng một cách vô tội vạ. Số tiền đó không phải nhỏ. Người ta đem quy ra đầu người thì số nợ đó thật kinh khủng.

Chẳng phải là nhà kinh tế, cũng chẳng phải là nhà nghiên cứu nhưng nhìn thực tại sao mà đau lòng. Khi nhìn những con số ngàn ngàn tỷ mà người ta vun vít nó làm sao đó so với những nhu cầu nhỏ bé của những con người nghèo.

Cách đây không lâu, chuyện cậu bé đậu đại học nhưng người cha phải tá túc trong ống cống với nghề bơm vá xe và người mẹ làm thuê làm mướn thật đau lòng. Với ý chí, với nghị lực, cậu bé đã đủ điểm vào đại học nhưng cổng trường khép lại vì gia đình quá nghèo. Thật may mắn đến với cậu khi có gia đình kia mời gia đình của cậu về ở trong một phòng của gia đình, đồng thời cho quản lý các phòng trọ khác của gia đình để có kế sinh nhai và đắp đổi qua ngày.

Nghịch lý là đứng trước những cảnh nghèo như thế, những người nghèo lại mở lòng và đùm bọc lẫn nhau, trong khi những người khác lại cứ thoải mái "đưa tiền ra cửa sổ". Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày một tăng khi người ta đánh mất quân bình của thu nhập. Người nghèo cảm thấy đuối khi phải lăn lộn với cuộc sống hằng ngày.

Ta thấy nghịch lý và mâu thuẫn khi số tiền bạc tỷ nhảy múa trong tay những người trục lợi để rồi những người nghèo chỉ mong có số lẻ như thế để đắp đổi qua ngày.

Dĩ nhiên trong xã hội nào cũng thế, cũng có những chuyện này chuyện kia trong đầu tư hay quản lý. Thế nhưng, khi những đồng tiền do công sức của người dân đóng góp lại chảy vào túi của những người nào đó, của nhóm người nào đó thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Và, khi khoảng cách giữa giàu nghèo ngày một tăng thì lại nảy sinh ra nhiều chuyện đau đầu cho con người và xã hội.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân không thể nào nghĩ ra được số tiền khổng lồ như thế mà nó cứ vui vẻ "nhảy múa và hát ca" trong tay của một số người.

Vài trăm triệu với một gia đình cũng chỉ là niềm mơ ước mà cả đời chẳng bao giờ có được. Nói gì đến tiền tỷ cho cam. Chỉ cần vài trăm triệu để mua căn nhà ở với mức bình dân trong xã hội hiện tại nhưng nằm mơ cũng chẳng hề có. Dẫu rằng không nghĩ ra nhưng rồi nó vẫn xảy ra. Những điều khó nghĩ đã xảy ra và để lại hậu quả tổn hại vô cùng to lớn cho con người và xã hội.

Mới đây thôi, khi đoạn đường cao tốc nọ chưa kịp khánh thành thì đã phát hiện ra những điều thật khó nghĩ. Số tiền chạy ra khỏi công trình quá lớn so với số tiền thực tế để thi công. Và như vậy, chất lượng của con đường cũng sẽ chỉ đạt được với số tiền thực sự bỏ ra. Tất cả những thiệt hại như thế lại cứ phải đổ lên đầu của những người dân đen nghèo khổ. Không phải người ta không biết hậu quả để lại khi người ta làm như thế nhưng vì lý do nào đó thật khó hiểu và cũng chẳng ai lý giải được. Chỉ biết là ngày mỗi ngày cuộc sống càng thêm những gánh nặng của khó khăn, của bế tắc khi tìm kế sinh nhai.

Và, cũng qua những phương tiện thông tin đại chúng, còn có quá nhiều người nghèo chạy ăn từng bữa phải đương đầu với cuộc sống. Cánh cửa bước vào đời của những con người nghèo ngày càng hẹp lại và những lắng lo của cuộc sống ngày càng lớn. Thương thay cái phận nghèo!

Khi cuộc sống có quá nhiều điều khó nghĩ thì khi ấy càng nhiều điều phải lắng lo.

Vẫn là những trăn trở về những mảnh đời khó nghèo và chật vật phải đương đầu với cuộc sống ngày một khó khăn.



Từ xưa đến nay, người Việt vẫn có quan niệm "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy". Vẫn giữ được phong tục đẹp đó, tuy nhiên, với người Công giáo thì còn thêm cả việc kính nhớ và cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.

Không có tục xông đất, những người Giáo dân đón năm mới theo một cách rất riêng. 4h sáng ngày mùng 1 Tết, mặc cho cái lạnh buốt giá rét khắc nghiệt của miền Bắc, tất cả giáo dân Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) đều dậy rất sớm và có mặt tại nhà thờ để tham dự buổi lễ đầu tiên trong năm mới. Dư âm vui vẻ đón thời khắc giao thừa vẫn còn cộng thêm sự hứng khởi của buổi sớm đầu năm khiến ai ai cũng tới nhà thờ trong tâm trạng ngập tràn niềm vui.

Người Công Giáo ăn Tết như thế nào? - 1

Thời khắc tham dự buổi lễ sớm này đối với người Công giáo vô cùng đặc biệt vì đây chính là giây phút họ muốn dành cho những điều cao trọng nhất. Ngoài ý nghĩa muốn dâng lên cho Thiên Chúa những giây phút đầu tiên trong năm mới thì buổi lễ sớm mùng 1 Tết còn là dịp để tất cả con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà tổ tiên sớm được về nơi Thiên Đàng. Đây cũng chính là thời điểm để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, may mắn và an lành. Bởi vậy, có thể nói rằng, đây chính là một trong những buổi lễ mang nhiều ý nghĩa nhất trong đời sống Kitô giáo.
 
Nếu như những người không theo đạo Công giáo coi tục hái lộc, xông đất đầu năm rất quan trọng thì với những giáo dân, việc tham dự buổi lễ này là một hành động mang ý nghĩa rất quan trọng. Khi tham dự buổi lễ này, các giáo dân cũng được rút lộc tại nhà thờ. "Lộc" ở đây chính là những lời Chúa mang ý nghĩa tốt lành, các giáo dân sẽ mang "Lộc" này về để tại vị trí trang trọng trong nhà, coi đó như là lời dạy của Chúa về cách sống trong năm mới.

Người Công Giáo ăn Tết như thế nào? - 3

Một trong những "lộc xuân" mà mỗi người Giáo dân sẽ "hái" và lấy đó làm câu thực hành cho mình trong suốt năm mới.

Không tới thăm mộ của tổ tiên vào Tiết Thanh Minh, người Công Giáo có riêng một ngày lễ để nhớ tới những người đã khuất, đó chính là ngày "Nhận Tiên Nhân" thường diễn ra vào ngày mùng 3, 4 Tết. Vào ngày này, các con cháu trong gia tộc bao gồm dâu rể nội ngoại tụ họp tại đất Thánh (nghĩa địa) để sửa sang mộ phần cho ông bà cha mẹ. Không có quan niệm "trần sao, âm vậy" nên thay vì gửi xuống ông bà tổ tiên những vật dụng tiện nghi như quần áo, vàng mã, nhà cửa... thì các giáo dân gửi tới tổ tiên mình những lời cầu nguyện để cầu mong các linh hồn sớm được tha thứ những tội lỗi đã phạm trên trần gian để được về nơi Thiên Đàng.
Người Công Giáo ăn Tết như thế nào? - 4
Cả dòng họ tập trung về nghĩa địa, sửa sang mộ phần cho tổ tiên và cùng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông bà sớm về Thiên Đàng.

Theo niềm tin Công giáo, 2 người đi tới hôn nhân là do ý định của Thiên Chúa và được Người chúc phúc. Chính vì được Thiên Chúa kết hợp nên hai người này sẽ mãi mãi là vợ chồng và cuộc hôn nhân của họ mang tính bền vững. Cũng vì mang ý nghĩa tốt đẹp này nên đôi vợ chồng mới cưới bao giờ cũng nhận được nhiều lời chúc phúc nhất. Cái Tết của họ sẽ được gọi là "Tết mới". Trong "Tết mới", cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau mang "lễ vật" đi chúc Tết những bậc cao tuổi và người thân trong dòng họ.
 
Lễ vật ở đây chỉ đơn giản là chiếc bánh chưng xanh và chai rượu, những đồ vật thể hiện thành quả của sự lao động. Người được chúc Tết cũng sẽ nhận lễ vật của đôi vợ chồng mới cưới nhưng sau đó họ sẽ trao lại cho cặp tân lang tân nương. Đồng thời, đôi vợ chồng mới sẽ được mừng tuổi, đồng tiền ở đây không quan trọng nhiều hay ít mà nó mang ý nghĩa đặc biệt: mong hai vợ chồng có vốn làm ăn để xây dựng một tổ ấm mới.
 
Thuý - một nàng dâu mới theo đạo, lần đầu tiên dự cái Tết Công giáo tại nhà chồng tâm sự rằng "Tôi đã rất lo lắng và bỡ ngỡ vì những gì tôi nghĩ về cái Tết ở nhà chồng thật khác biệt. Tuy nhiên, mấy ngày Tết ở đây rất đặc biệt và cũng là một trải nghiệm thú vị. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến "Tết mới", cũng là lần đầu tiên được mừng tuổi dù đã lớn đến thế này"...
 
Có thể nói rằng, dù đón Tết theo những cách rất riêng và đặc biệt, cái Tết của người Công giáo mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Tết không chỉ là thời gian để mọi người cùng nghỉ ngơi, gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều an lành trong năm mới. Tết còn là thời điểm để người Công giáo thể hiện chữ Hiếu của mình với ông bà tổ tiên, là lúc những đôi vợ chồng mới cưới nhận thấy rằng cuộc hôn nhân của mình quan trọng và ý nghĩa thế nào. Thiết nghĩ, đây cũng chính là những nét đẹp ý nghĩa đóng góp vào sự đặc sắc của văn hoá dân tộc...
 
Mai Tân (Khampha.vn)
Trích nguồn :baoconggiao.com



Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:

- Tôi chia 1 phần 3 tài sản của tôi cho ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.

- Không được. - Thần Chết lắc đầu.

- Vậy tôi đưa ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? - Anh ta tiếp tục van xin.

- Không được. - Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

- Vậy… tôi xin giao hết của cải cho ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?

- Không được. - Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.

Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:
- Thế thì ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:
- Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.

***

Bạn thấy đấy, giá trị của thời gian không nằm ở đồng tiền, giá trị của thời gian nằm ở những năm tháng chúng ta đang sống hoài hoang phí. Bạn có biết, tuổi thọ trung bình của người Việt là 70 năm. Nhưng trong 70 năm ấy, có người sống trọn nhưng không để lại thứ gì cho đời. Có người sống 30 năm nhưng lại để lại hết thảy những điều tốt đẹp.

Mục đích của câu chuyện này nhấn mạnh đến cách sử dụng cuộc sống. Dù cả đời bạn làm việc cật lực để kiếm tiền, nhưng bạn không biết cách sử dụng chúng cho những điều tốt đẹp, thời gian cũng là vô ích. Bạn sẽ không để lại điều gì đẹp đẽ cho đời. Khối tài sản hiện có cũng vô giá trị về mặt tinh thần, bạn ra đi mà không có kỷ niệm vui, không có những năm tháng hạnh phúc bên người thân, bạn bè, không có những ngày “lăn lộn” cùng chiến hữu… Đó mới chính là giá trị thực mà không thứ gì mua được.
Thứ giá trị nhất mà cuộc sống cho ta là thời gian. Khi còn chưa làm được gì có ích cho đời, thì cũng đừng làm những điều vô vị. Bởi đồng tiền không mua được thời gian, nên phải sử dụng chúng một cách hợp lý. Đừng vì một người, một vài lời nói, mà làm những điều vô tri, đánh mất thứ quý giá của bản thân.



Nguồn: Sưu tầm

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.