tháng 4 2014



Giuđa Iscariot có lẽ anh rất buồn, có biết bao người nhắc tên anh như một lời nguyền rủa hay khinh bỉ. Khi anh ra khỏi phòng tiệc trời đã tối. Cái tối trời của dự định trao nộp chính Thầy.

Bao nhiêu năm theo Thầy, anh cũng đã từng thấy những điều tốt lành Thầy đã làm, anh cũng như bao môn đệ khác, hy vọng được chia vào vương quyền nào đó khi Thầy lên nắm quyền. Một khát vọng rất người của anh, anh không khéo che giấu, nên vì thế anh bán nộp chính Thầy. Anh đã quyết định đẩy đưa Thầy đến chỗ bày tỏ vương quyền của Thầy khi đến cùng đường sự chết. Cái tối trời của lòng tham vọng đã che mờ mắt lương tâm của anh, giá bán Thầy chỉ bằng giá của một người nô lệ, không chắc vì anh đã tham tiền cho bằng sự tham quyền. Sự ước ao quyền vị ấy đâu chỉ riêng anh mới có mà các môn đệ khác cũng thế. Sự mù tối của tâm hồn muốn chiếm được địa vị cao khiến có người môn đệ đi lối đường cửa sau, như trường hợp bà mẹ của hai người con ông Dê-bê-đê đến xin Thầy chia vương quyền.

Sự tối trời mà Gioan đã ghi chép lại có phần nào mang sắc thái diễn tả của tâm hồn người Á Đông, khi người ta nói đến sự mê muội. Sự tối trời cũng như sự tối lòng của các môn đệ. Đã hẳn nhiều lần Thầy đã nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26), tiếc thay lời nói ấy cũng như giọt nước đọng trên những chiếc lá, mau khô đi vì nắng lên. Con người đam mê danh vọng có sự mờ tối của lối đường, họ không nhìn thấy nhau, không nhìn thấy gì khác ngoài quyền lực. Giuđa anh cũng thế, không ai dám bỏ cả cuộc đời cuộc đời mình cho những điều được coi là sự điên rồ của Thập Giá, nếu chưa hiểu hết lối đường ấy dẫn mình đi tới đâu. Phêrô tuyên tín khi Thầy sắp ra đi mạnh mẽ như thế nào, khi nói: “dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi chăng nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Lời nói ấy chưa kịp nguội đi, thì đã bắt đầu bội phản. Sự bội phản của con người cũng dễ như trở bàn tay. Nếu không đi qua vấp ngã làm sao có thể khẳng định với lòng mình, để gọi Đức Giêsu “Là Thầy và là Chúa”. Sự vấp ngã của anh Giuđa, cũng là do tối trời vậy thôi.

Anh Giuđa giao nộp Thầy, để Thầy mau sớm tỏ bày vinh quang, cái nóng hổi của lòng nhiệt thành khi chưa hiểu biết hết vị Thầy, cũng là cái vấp ngã. Giống như Phêrô thay mặt cho các anh em của mình vừa tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), để rồi cũng lại ngăn cản ngay khi Thầy báo cuộc thương khó lần thứ nhất: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22). Sự nóng vội cũng là sự tối trời mà người ta thường nói “tối mặt, tối mày”. Cái tối trời của lòng nhiệt thành, khi anh trách Maria lấy dầu thơm để xức chân Thầy mà không lấy cho tặng người nghèo. Việc làm của tình yêu đáp trả là một việc làm xem ra vô lý, nhưng lại là việc làm đầy ý nghĩa. Có lẽ anh chưa bao giờ cảm nghiệm sự bao dung của Thầy, có thể vì anh vô tình không nghe lời Thầy trách khẽ: “người nghèo, thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy anh em không có mãi đâu” (Ga 12, 8). Đâu biết lần xức dầu này là lần báo trước ngày mai táng Thầy trong mộ. Anh tối trời nên anh vẫn vô tình trước lời Thầy loan báo.

Ba mươi đồng anh quăng trả lại cho người mua chuộc, giống như Phêrô nghe tiếng gà gáy và chợt tỉnh lời Thầy loan báo: “Nội đêm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy 3 lần” (Mt 26, 34). Giống như mọi người, anh Giuđa, cũng chợt tỉnh như khi trong bàn tiệc, khi Thầy báo có người trong anh em sẽ nộp Thầy. “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26, 22). Một câu hỏi giật mình cho các môn đệ chứ chẳng riêng anh, trong thâm tâm của anh chắc có lẽ buồn khi nghe chính Thầy trả lời: “chính anh nói đó” (Mt 26, 25). Buồn quá phải không anh, ba năm theo Thầy đổi lấy ba mươi đồng bạc thôi sao. Thế mà đâu chỉ riêng anh, bao người theo Thầy cũng mong đổi chác được cái này và cái kia chứ đâu tìm kiếm chính Thầy. Sự bội phản của con người là điểm tìm kiếm thấp hèn ấy, sự tối trời cũng là điểm u mê ấy.

Cuối cùng khi nghĩ về anh Giuđa, tôi cũng chỉ tiếc cho anh, không thấy được lòng bao dung của Thầy. Phêrô gặp được ánh mắt của Thầy để giật mình thống hối, các môn đệ khác, người về quê thì gặp đấng Phục Sinh bẻ bánh, người khác ở lại cầu nguyện cũng gặp Đấng Phục Sinh hiện ra giữa họ. Riêng anh cái tối trời của thân phận đeo đuổi tới cùng để kết liễu đời mình bằng chiếc thòng lọng. Đã bao lần theo Thầy, chẳng lẽ không thấy được lòng thương xót của Thầy? Có lẽ có mà chỉ là quên chưa bao giờ anh thực hành lời Thầy dạy. Chính sự quên ấy, giống như cuộc đời chuẩn bị một chiếc thòng lọng để kết thúc đời mình trong vô vọng. Người không thực hành Lời Thầy, là người đem theo sự tuyệt vọng dệt thành chiếc thòng lọng, phải không anh? Và tôi nhớ lại lời Thầy nhắc: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dậy?” (Lc 6, 46).

Bao giờ cũng đầy u mê phải không anh, mải đi tìm danh lợi cho mình, để rồi u mê giữa thiện và ác, u mê giữa tình thân yêu của đồng loại. Phải chăng việc loại trừ nhau là sự u mê điên rồ nhất mà lại thường phạm nhất? Bằng nhiều cách, con người đè bẹp nhau để sống, một lời vu oan, một lời chê bai, một câu nói đầy ác ý.., có biết bao những vô tình mỗi ngày nhằm hạ bệ anh chị em, những người sống chung quanh mình. Khi loại trừ lẫn nhau người ta đang tự loại chính mình, những kết cấu của sự sụp đổ cá nhân bắt nguồn từ việc khai trừ lẫn nhau. Không bao giờ có thể đứng vững khi chính mình đang phá đổ những tương quan, mù loà với sự hiện diện của anh chị em.

Ai cũng vấp ngã nhưng mình anh kết thúc sự vấp ngã cách tuyệt vọng. Tôi cũng tự nhủ, lối đường tuyệt vọng ấy cũng là con đường của tôi, nếu tôi không bắt đầu thực hành yêu thương như Thầy đã yêu thương. Sự mù loà về Tình Yêu là sự tối trời đáng sợ hơn cả. Tình yêu khám phá ra niềm hy vọng, và mở lối cho anh em, phải không anh. Tình Yêu Thập Giá trả lời câu hỏi đó và để nhắc nhở mình: “Hãy Yêu như Giêsu”.

Với những suy tư ấy, bước vào mùa chay này, ước mong Giêsu mở cho con đôi mắt tình yêu, để sự tối trời của tâm hồn, của cuộc đời có ánh sáng của Người soi lối.



Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Hãy đem đời mình đặt dưới ánh sáng của lời Chúa,
và hãy nghĩ đến cõi vĩnh hằng. 
Vì nhớ rằng: ta gặt những gì mình đã gieo.


Ðời sống là một chuỗi ngày gieo giống. Mỗi ngày ta gieo trong tư tưởng lời nói và hành động để một ngày kia ta sẽ gặt. Mặc dù khoảng thời gian có thể rất xa xôi như thể không bao giờ gặt, nhưng chắc chắn mùa gặt sẽ tới. Nhiều bó lúa phải gặt trước khi ta chết, và nhiều bó khác sẽ phải gặt trong cõi vĩnh hằng.

Một người giàu có đã cao tuổi, để lại tất cả tài sản cho đứa con duy nhất và dự định sống với nó cho đến khi chết. Nhưng sau một thời gian chung sống, người con dâu chán không muốn thấy bố chồng ở mãi trong nhà nên bảo chồng phải đưa bố đi nơi khác ở. Người con không muốn mất cảm tình với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nơi rẻ tiền nhất.
Một tuần sau đó hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Ði được một lúc bỗng nhiên người cha bật khóc, Lương tâm người con không chịu nổi, anh nói vài câu xin lỗi cha.

Sau một vài phút, người cha bị hất hủi nghẹn ngào nói:
- Con ơi, cha không khóc vì con đưa cha vào nhà dưỡng lão dành cho những người già nua tàn tạ, nhưng cha khóc vì nhớ lại cách đây bốn mươi năm, cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con và cũng đưa người vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ gặt lấy những gì mà cha đã gieo khi trước thôi.
*
* *
Bạn thì sao? Bạn có sống với những nghĩa cử thương yêu hay đang chắt bóp và chỉ lo cho chính mình. Hãy đem đời mình đặt dưới ánh sáng của lời Chúa, và hãy nghĩ đến cõi vĩnh hằng. Vì nhớ rằng: ta gặt những gì mình đã gieo.

40 ngày mùa Chay được tính thế nào? Mùa Chay bắt đầu khi nào? Ngày cử hành Lễ Phục Sinh hàng năm được tính toán thế nào?



  
Đối với Ki-tô giáo, mọi Chúa Nhật đều là những ngày cử hành sự phục sinh của Chúa Ki-tô, các tín hữu không được ăn chay, và làm những hình thức đền tội trong các ngày này. Các Chúa Nhật không được tính vào thời gian chay tịnh mùa Chay.

H. 40 ngày mùa Chay được tính thế nào?

Thời gian mùa chay trước lễ Phục Sinh thường được gọi là 40 ngày chay tịnh, nhưng thực ra có 46 ngày tính từ thứ 4 lễ Tro cho tới Chúa Nhật Phục Sinh. Vậy tại sao chỉ nói có 40 ngày?

T. Chúng ta cần trở ngược lại thời sơ khai của Giáo Hội, các môn đệ đầu tiên là những người Do Thái vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm về tầm quan trọng của ngày Sabat, vẫn được xem là ngày thứ 7. Bởi vì ngày Sabat được ghi trong sách Khởi Nguyên là thời gian để nghỉ ngơi và thờ phượng. Tuy nhiên Chúa Ki-tô lại phục sinh vào Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần. Chính các tông đồ và các ki-tô hữu đầu tiên đã thấy được rằng sự Phục Sinh là một cuộc sáng tạo mới nên họ chuyển ngày Sabat sang Chúa Nhật chứ không là còn là thứ 7 như quan niệm của Do Thái nữa.

Vậy để có được 40 ngày chay tịnh như Chúa Giê-su, mùa Chay bao gồm 6 tuần lễ với 6 ngày ăn chay trong tuần, cộng với 4 ngày từ thứ tư lễ Tro cho tới thứ 7 trước Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay. 36 + 4 = 40.


H. Mùa Chay bắt đầu khi nào?

Mùa Chay được bắt đầu với thứ tư lễ Tro trước lễ Phục Sinh 46 ngày. Tuy nhiên, vì lễ Phục Sinh không được ấn định vào một ngày cố định cho mỗi năm, do vậy, phải biết cách tính lễ Phục Sinh theo Tây lịch.


H. Ngày cử hành Lễ Phục Sinh hàng năm được tính toán thế nào?

T. Lễ Phục Sinh không có một ngày cử hành nhất định hàng năm như lễ Giáng Sinh với ngày 25-12. Công đồng Nicea (325) ấn định ngày lễ Phục Sinh hàng năm là Chúa Nhật thứ nhất kể từ ngày rằm đầu tiên của tiết xuân phân. Tưởng cũng nên biết rằng lễ vượt qua của Do thái là ngày 14 tháng Nissan, tức là trước ngày trăng tròn của tiết xuân phân. Và các giáo hội Đông phương cũng lấy ngày này để mừng lễ Phục Sinh.

Để có thể tính được ngày lễ Phục Sinh hàng năm của Công Giáo, cần đi theo trình tự sau:

- Ngày xuân phân hàng năm là 21-3 (theo tây lịch)

- Ngày trăng tròn (ngày 15 theo âm lịch) đầu tiên sau ngày 21-3 này

- Chúa Nhật thứ nhất tính từ ngày trăng tròn này, đó là Chúa Nhật Phục Sinh.


Lm. Pr. Nguyễn Đức Thắng, GP.Long Xuyên





Tại VIỆT NAM, thời gian cần thiết để giữ luật buộc rước lễ trong Mùa Phục Sinh là từ thứ TƯ - LỄ TRO cho đến hết lễ Chúa Ba Ngôi.

holy-week.jpg

1/ TAM NHẬT THÁNH:
-- Trong tam nhật thánh không cử hành bất cứ thánh lễ nào kể cả an táng, nhưng có thể cử hành nghi thức an táng.

-- Nếu một cha phụ trách nhiều giáo xứ nhỏ nên quy tụ giáo dân về nhà thờ chính để dự lễ.

-- Tuy nhiên nếu một cha phụ trách nhiều giáo xứ lớn, trong đó có đông giáo dân tham dự và các nghi thức có thể cử hành một cách long trọng và xứng đáng, thì cha xứ có thể cử hành các nghi lễ tam nhật vượt qua lần thứ hai ở hai nhà thờ khác nhau.

-- Xin quý cha hủy dầu cũ và sử dụng dầu mới.

2/ THỨ NĂM TUẦN THÁNH:
-- Cấm cử hành thánh lễ không có giáo dân tham dự.

-- Có nghi thức rửa chân cho những người đàn ông giáo dân đã được tuyển chọn

– Không mặc áo phỏng theo y phục giám mục.

-- Đọc kinh vinh danh nhưng không đọc kinh tin kính.

-- Sau lời nguyện hiệp lễ, bỏ hương, xông hương Mình Thánh Chúa, nhận khăn choàng phủ bình đựng Mình Thánh, cầm bình Mình Thánh lên và kiệu sang bàn thờ phụ.

-- Phải có nhà Tạm đóng kín.

-- Không trưng bày Mình Thánh Chúa ra hay đặt trong mặt nhật để chầu.

-- Nơi lưu trữ Mình Thánh chỉ nhằm lưu giữ Mình Thánh cho việc rước lễ ngày hôm sau, chứ không nhằm biểu thị mồ Chúa. Tránh kiểu trang trí như nhà mồ hay gọi đó là vườn Gethsêmani.

-- Từ nửa đêm trở đi không tổ chức chầu MTC trọng thể.

-- Không tổ chức rước kiệu và đặt MTC trong các nhà thờ không cử hành nghi lễ chiều thứ Sáu tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.

3/ THỨ SÁU TUẦN THÁNH: 
-- Sau bài thương khó có xướng “Đó là lời Chúa”.

-- Chỉ dùng một Thánh Giá duy nhất trong Nghi thức Kính Thờ. Nếu vì dân chúng đông, mỗi người không thể lên hôn kính Thánh Giá được, thì sau khi một phần tín hữu đã hôn kính. Linh Mục cầm Thánh Giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng Kính Thờ Thánh Giá, rồi nâng cao Thánh Giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.

-- Không được rước nẻ, bốc nẻ... có tính cách mê tín dị đoan. Thay thế vào đó có thể dùng hoa tươi đặt cạnh Tượng Chúa.

4/ THỨ BẢY TUẦN THÁNH – VỌNG PHỤC SINH:
-- Không được phép cử hành Thánh lễ mà không có nghi thức Canh Thức Vượt Qua.

-- Có thể cử hành Canh Thức Vượt Qua tại các Nhà thờ và Nhà Nguyện đã không cử hành các nghi thức ngày thứ 5 và thứ 6. Ngược lại tại các nơi cử hành các Nghi thức thứ 5 và Thứ 6, có thể bỏ qua không cử hành Canh Thức Vượt Qua.

-- Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, diễn tả Chúa Kitô là Ánh Sáng thật soi chiếu thế gian nên nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền và còn mới.

-- Về việc rước nến PS:
   **** Người cầm nến đi đầu, mọi người theo sau. Nếu có hương thì người cầm bình hương có bỏ hương đi trước người cầm nến.

   **** Sau khi người cầm nến xướng lần thứ hai câu: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ thì lấy lửa từ nến PS thắp cho mọi người.

   **** Sau khi người cầm nến xướng lần thứ ba câu: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ thì thắp tất cả các đèn trong nhà thờ.

-- Bài công bố tin mừng PS có thể do một ca viên nhưng người này không xin linh mục chủ tế ban phép lành. Bỏ câu: ”Vậy giờ đây… cho đến hết lời kêu gọi kể cả lời chào ‘Chúa ở cùng anh chị em’ ”.

-- Khi đọc các bài đọc mọi người tắt nến.

-- Phải đọc ít nhất ba bài cựu ước. Trường hợp gấp rút có thể đọc hai bài nhưng không được bỏ bài trích sách Xuất hành.

-- Có thể xông hương khi đọc Phúc Âm nhưng không mang đèn nến.

5/ MÙA PHỤC SINH
-- Các ngày trong tuần Bát Nhật, mừng như lễ trọng kính Chúa, nhưng không đọc kinh Tin Kính trong Thánh Lễ (AC 24).

-- Trong tuần bát nhật chỉ được cử hành Thánh lễ an táng mà thôi.

-- Các Chúa Nhật Mùa PS không được cử hành các thánh lễ khác, kể cả lễ an táng.

6/ VỀ VIỆC RƯỚC LỄ TRONG MÙA PS:
-- Tại VIỆT NAM, thời gian cần thiết để giữ luật buộc rước lễ trong Mùa Phục Sinh là từ thứ TƯ - LỄ TRO cho đến hết lễ Chúa Ba Ngôi, chiếu theo điều 217 của Công Đồng Đông Dương lần thứ I, năm 1934 và Thông báo của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ, số VII, ngày 10/08/1971.

7/ VỀ VIỆC XƯNG TỘI:
-- Giáo luật điều 989 dạy: Mọi tín hữu sau khi đến tuổi khôn, buộc phải trung thành giữ luật xưng các TỘI TRỌNG, một năm ít là một lần".

8/ GIẢI ĐÁP MỘT VÀI THẮC MẮC:
1.- Có thể làm phép mấy cây nến?
-- Những sách và những chỉ dẫn phụng vụ lưu ý rất nhiều là chỉ một cây nến phục sinh được chuẩn bị cho việc cử hành. Ví dụ, Thư Luân Lưu 1988 về việc chuẩn bị Lễ Phục Sinh do Bộ Phụng Tự phổ biến có nói:

"Phải chuẩn bị cây nến phục sinh, cây nến đó, muốn cho sự biểu trưng được hiệu nghiệm, phải được làm bằng sáp ong, không bao giờ được giả tạo, phải thay mỗi năm, chỉ một thôi, và phải có chiều to đủ, ngõ hầu có thể gợi ý rằng Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Cây nến phục sinh được làm phép với những dấu và những lời được qui định trong Sách Lễ hay là bởi Hội Đồng Giám Mục."

-- Sự nhấn mạnh này phải được thực hiện, để biểu trưng một ánh sáng là Chúa Kitô từ đó mọi cây nến khác được thắp lên.

-- Theo Cha Edward McNamara, giáo sư Phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum: Trong trường hợp cần một cây nến nữa để đặt trong một nhà thờ không cử hành canh thức Vượt Qua, vị mục tử có thể làm phép riêng và chuẩn bị cây nến khác lúc thích hợp sau Vọng Phục Sinh và chỉ đặt cây nến đó trong giáo xứ khác trước Thánh lễ thứ nhất mà không có nghi thức gì đặc biệt. Tuy nhiên, nên xông hương cây nến một lượt và bàn thờ khi bắt đầu Thánh Lễ.

2.- Có được đốt nến Phục Sinh quanh năm không?
-- Lịch Công giáo có hướng dẫn:
“Nến PS đặt gần giảng đài hoặc gần bàn thờ và được thắp sáng trong các giờ cử hành phụng vụ trọng thể hơn của mùa này, tức là trong thánh lễ, giờ kinh sáng và giờ kinh chiều cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.” (tr. 69)

“Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nến PS được đặt tại Giếng Rửa Tội, để khi rửa tội thì đốt lên và châm nến cho những người lãnh bí tích. Trong nghi lễ an táng, Nến PS được đặt gần quan tài để nói lên rằng cái chết của người Kitô hữu là một cuộc Vượt Qua đích thực” (CE 372 và Thông Tư Bộ Phượng Tự ngày 16-1-1988 số 99).

Ngoài mùa PS, không được đặt và đốt nến PS trên cung thánh (tr. 84).

-- Như vậy, theo quy định của Bộ Phượng Tự thì nến PS chỉ dùng trong mùa PS, khi ban bí tích rửa tội và khi cử hành lễ an táng, chứ không được đặt và đốt quanh năm.


(WGP.Long Xuyên)

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.