tháng 9 2013

Chuyện kể rằng có một thương gia muốn đi tìm một ngôi làng hoàn hảo vì ông không tìm thấy hạnh phúc trong ngôi làng của ông. Ông đã đi qua nhiều ngôi làng nhưng không tìm thấy ngôi làng nào vừa ý để cho ông định cư sinh sống. Trước khi tới mỗi ngôi làng, người thương gia tìm gặp vị bô lão trưởng làng để hỏi: Xin ông cho tôi biết những người trong ngôi làng của ông là loại người như thế nào. Mỗi nơi ấy, vị bô lão đều có một câu trả lời tương tự như nhau: Người trong làng của tôi không được tốt lắm. Có người ích kỷ quá, và cũng có người quảng đại. Có người dững dưng chỉ lo cho bản thân họ, nhưng cũng có người xả thân lo cho việc chung. Có người không quan tâm lo cho con cái và giáo dục con cái, nhưng cũng có người tình nguyện lo cho việc giáo dục. Có người chỉ lo phê bình chỉ trích, nhưng cũng có người tích cực giảng hòa và tha thứ. Vị trưởng làng cũng nói thêm rằng: Nếu ông muốn tìm một ngôi làng hạnh phúc, ông hãy bắt tay vào việc xây dựng ngôi làng chứ đừng chỉ nói về ngôi làng hành phúc.

Sau nhiều năm tìm kiếm, khi tuổi đã già, mắt đã mờ, và sức đã mỏi, ông cũng may mắn tìm được ngôi làng mà theo ý ông là hoàn hảo. Sau một thời gian sinh sống, ông dần dần khám phá ra sự quen thuộc của những giọng nói, cảnh vật, cuối cùng ông nhận ra rằng. Ngôi làng hạnh phúc cũng chính là ngôi làng ông đã bỏ đi.





Các bạn trẻ rất thân mến, chúng ta vẫn thường hay nói, “Đứng núi này trông núi nọ.” Điều này cũng có ý nghĩa áp dụng cho những ai chỉ muốn hưởng những thành quả mà ngại dấn thân. Sự dấn thân ở đây không chỉ được hiểu là làm việc, nhưng quan trọng hơn chính là dấn thân trong tư tưởng. Dấn thân trong tư tưởng nghĩa là thừa nhận sự khác biệt của người khác, sự bất toàn của người khác. Nếu tư tưởng của ta biết đón nhận sự khác biệt và những giới hạn của người khác, điều đó sẽ giúp ta định hướng trong việc xây dựng hiệp nhất.

Một trong những nguyên nhân của sự bất hòa trong tập thể là vì chúng ta mong muốn người khác theo ý của mình. Chúng ta thường hay nhủ thầm trong lòng mình là tại sao người này lại làm như vậy?! Lẽ ra bạn không nên làm như vậy! Khi suy nghĩ như thế, chúng ta cũng dựa vào một tiêu chuẩn của một tập thể nào đó mà theo ta nghĩ là tập thể ấy tốt hơn tập thể của ta. Vì lý do đó chúng ta hoặc bắt người khác theo ý ta, hoặc muốn người khác theo tập thể mà mình biết đến. Nhưng trong thực tế thì khác. Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, mỗi tập thể cũng khác nhau. Làm sao chúng ta có thể hiểu hết những hậu cảnh bên trong để muốn người này người nọ hành động theo ý của mình.

Vì sự đòi hỏi này, mà thường là không phù hợp, mà chính ta muốn bỏ cuộc trong việc xây dựng tập thể của mình. Câu chuyện trong phần mở đầu đã minh họa cho chúng ta điều đó khi chúng ta muốn đi tìm sự hưởng thụ cho một cộng đoàn lý tưởng có sẵn mà không muốn dấn thân xây dựng một tập thể của mình cho tốt hơn.

Hôm nay, Tôi mời bạn quan sát xem tập thể mình một cách công minh. Hãy nêu tên những điểm tích cực của cộng đoàn, những con người thiện chí ngày đêm xây dựng tập thể, trước khi bạn muốn thay đổi nó hay bỏ rơi nó. Khi làm như thế, hy vọng bạn sẽ có cái nhìn trung thực và khách quan hơn trong tiến trình xây dựng sự hiệp nhất trong tập thể mà điển hình là Nhóm Hiệp Nhất chúng ta.


CỎ ĐUÔI GÀ



Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.

Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.

Người thứ 2 lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.

Người thứ 3 trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm: "Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?"

Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính: "Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?"

Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: "Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi nầy sưởi ấm những gã da trắng!"

Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: "Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước".

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau khi những người cứu hộ tới nơi, cả 6 đều đã chết cóng. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.
    

Luyện được khả năng bình tĩnh trước nhiều tình huống là điều rất khó, cần nhiều thời gian, nhất là với những người trẻ tuổi. Sẽ không có cách nào thổi bay cơn nóng giận nhanh nhất, nhưng luôn có cách để chúng ta rèn luyện khả năng kiềm chế và kiểm soát bản thân.

Giữ bình tĩnh trong nhiều tình huống được coi là “nhiệm vụ bất khả thi” với chúng ta, tuy nhiên, nóng nảy không bao giờ là giải pháp được lựa chọn khi giải quyết rắc rối. Để không thường xuyên nổi nóng, bạn nên nhớ điều này: làm thế là vì bạn, nóng giận chỉ thiệt thân thôi! Nếu lỡ có ai “chọc giận”, hãy thử làm cách sau xem sao.




1. Bỏ đi
Trong một cuộc tranh luận, đến lúc cao trào mà im lặng bỏ đi thì ấm ức quá, tuy nhiên to tiếng và cáu giận cũng không giải quyết được vấn đề? Hãy biết “ngưỡng” của mình, khi cuộc trò chuyện căng thẳng đến mức báo động, bạn hãy dừng lại, bỏ ra ngoài hoặc đi đâu đó để tránh không “lỡ lời”. Khi bình tĩnh hơn, bàn luận mọi việc vẫn dễ dàng hơn.

2. Nhắm mắt trong giây lát
Gặp chuyện khó chịu, hãy tạm nhắm mắt lại trong chốc lát, tạm thời để thế giới “biến mất” một chút, bạn sẽ có được sự tập trung và bình tĩnh hơn.

3. Không gian yên tĩnh
Đang “bốc hỏa” mà ở chỗ ồn ào càng có nguy cơ khiến lửa cháy to hơn. Nên tìm nơi nào đó yên tĩnh (tốt nhất bạn nên chuẩn bị vài chỗ như vậy) để được ở một mình, bạn cần để cho thần kinh của mình được “xoa dịu” đôi chút, mà làm điều đó không gì bằng “bậc thầy” yên lặng đâu.

4. Uống nước
Khi nóng giận, nên uống một ly nước, cách này có thể cũ rích nhưng hiệu quả. Bạn cũng có thể tìm thấy sự “hỗ trợ” tuyệt vời của nước cho sự bình tĩnh như nhìn ngắm hồ cá, rửa mặt hoặc có thời gian thì đi tắm cũng sẽ có hiệu quả tuyệt vời khi cần đuổi cơn cáu bẳn đi nơi khác.

5. Hít thở sâu
Không cần là bậc thầy Yoga bạn vẫn có thể trở nên điềm tĩnh hơn. Hít thở giúp cung cấp oxygen cho não và các cơ quan trọng yếu của cơ thể, giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Hãy thực hành phương pháp thở sâu như sau để cảm thấy dễ chịu hơn:
- Hít vào bằng mũi và đếm từ 1 - 4
- Dừng lại và đếm từ 1 - 4
- Thở ra chầm chậm, đếm từ 1 - 4
- Tạm nghỉ, đếm từ 1 - 4 (không hít thở)
- Thở theo nhịp bình thường 2 nhịp
- Tiếp tục hít vào theo bước đầu tiên.

6. Nghe nhạc
Những giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu sẽ giúp cho những dây thần kinh đang căng như dây đàn của bạn thư giãn. Tùy vào sở thích của bạn mà có thể chọn loại nhạc phù hợp, có thể bạn ngạc nhiên nhưng nhạc rock với nhiều người lại là “thuốc” trị sự nóng nảy của họ đấy. 


Theo Webtretho


I. ĐỜI SỐNG THỐNG NHẤT LÀ GÌ?
 Thống nhất là hợp thành một cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn trái ngịch với nhau. Ví dụ : đất nước thống nhất là đất nước có cùng chung một tổ chức, một lãnh đạo duy nhất.

Như vậy, đời sống thống nhất là đời sống có một đường lối duy nhất, một chương trình được sắp đặt, mọi lời nói, biệc làm, được gắn bó chặt chẽ với nhau, không “tiền hậu bất nhất” và không có hai đời sống tách biệt và đối nghịch nhau.

II.  ĐỜI SỐNG CHÂN THỰC
Chân thực là trong lòng thế nào thì bày bày tỏ ra ngoài như vậy, nghĩa là lời nói và việc làm phát xuất từ đáy lòng, nghĩ sao nói vậy, trong lòng muốn gì thì bày tỏ như vậy, không giả dối, việc giả hình hay lừa gạt.

Đời sống chân thực là đời sống đích thực chứ không giả hiệu giả hình, nghĩa là lời nói, cử chỉ, việc làm đều đúng với thâm tâm hay lương tâm, không phải chỉ có tính cách xã giao, chiến thuật hay thủ đoạn.

Đời sống thống nhất và chân thực luôn phải đi đôi với nhau. Đời sống thống nhất thì cần phải luôn chân thực vì có thể thống nhất để xã giao theo thủ đoạn xảo quyệt, thống nhất một cách giả hiệu để lừa gạt và đời sống chân thực thì cũng cần thống nhất theo một chương trình kỷ luật trước sau như một, chứ không “tiền hậu bất nhất”.

III. ĐỜI SỐNG THỐNG NHẤT VÀ CHÂN THỰC RẤT CẦN THIẾT:
1. Vì nhiệm vụ của giáo lý viên.
Giáo lý viên phải vận dụng tất cả đời sống và con người mình vào nhiệm vụ loan báo Lời Chúa. Trước khi loan báo Lời Chúa, thì giáo lý viên phải cởi mở và sống Lời Chúa. Dạy giáo lý không phải là dạy một môn học về văn hóa, cũng không phải dạy ý kiến của giáo lý viên, mà là dạy Lời Chúa, dạy những điều mà Hội Thánh tin, nên giáo lý viên phải tin và sống những điều mình tin trước, cảm nghiệm về niềm tin ấy để có thể làm chứng cho mọi người.
Vì thế, trước khi dạy giáo lý, giáo lý viên đã phải cố gắng sống theo những giáo lý mình dạy cách chân thực. Làm như vậy, giáo lý viên chứng minh cho mọi người rằng mình là một con người, là một giáo lý viên có phẩm chất, có ý thức trách nhiệm và sống đúng trách nhiệm của giáo lý viên.

2. Vì thế giới hôm nay.
Thế giới hôm nay đã phải nghe nhiều lời tuyên truyền rất hùng hồn và hấp dẫn cho những hạng người (nói vậy mà không phải vậy). Vì vậy, người ta đòi hỏi những người đi Phúc Âm hóa người khác phải nói cho họ về một Thiên Chúa mà chính người đó đã hiểu biết quen thân, cảm nghiệm được, như thể người ấy đã thấy được “Đấng vô hình”. Vậy, giáo lý viên là người đi Phúc Âm hóa người khác mà mình đã học trong sách vở chứ chẳng quen thân hay cảm nghiệm gì, thì đời sống giáo lý viên đã không thống nhất, không gắn bó chặt chẽ giữa biết và sống, giữa dạy và làm, đời sống như thế làm sao cảm hóa và thuyết phục người khác được.

Giáo lý viên cần nhớ lời thánh Mác-cô nói về ơn gọi làm tông đồ để áp dụng cho chính mình như sau :” Chúa Ki-tô đã lập Nhóm Mười Hai tông đồ để họ ở với Người và sai họ đi rao giảng”.(Mc 3,14-15), nghĩa là giáo lý viên cũng phải ở với Chúa Ki-tô, sống thân quen và cảm nhận được tình thương của Chúa Ki-tô, rồi mới có thể rao giảng về Người cách xác tín được. Đây là một nét riêng biệt mà thánh Mác-cô lưu ý chúng ta.



IV. ĐỜI SỐNG CHÂN THỰC ĐƯỢC BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Đời sống chân thực là phong cách thứ hai của linh đạo giáo lý viên, nó được biểu hiện qua ba hành động chính là : cầu nguyện, cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần.

1. Cầu nguyện:
Cầu nguyện là gặp gỡ để nghe Chúa nói và để nói với Chúa, để có cùng ý nghĩ và ước muốn như Chúa. Cầu nguyện là “ở với Chúa” (như cây nho, cành nho). Chúa Ki-tô có đời sống chân thực nhờ cầu nguyện, nhờ thái độ“ở với Chúa Cha”. Người tìm nơi thanh vắng, dành thời gian ban đêm để gặp gỡ, tâm tình với Chúa Cha, nhờ đó đời sống của Người luôn chân thực vì Người chỉ lo thực thi đúng ý Chúa Cha mọi nơi mọi lúc.
Giáo lý viên cầu nguyện thực thi đời sống chắc chắn phải chân thực, vì cầu nguyện  thực sự là hiệp thông, là hiệp nhất với Chúa, nhờ đó giáo lý viên không thể nào sống giả hiệu, giả hình, dối trá.
               
2. Cảm nghiệm về Thiên Chúa.
Đây là một dấu chỉ sâu sắc hơn về đời sống chân thực, nó phát xuất từ việc gặp gỡ, hiểu biết, cảm phục, tạ ơn, chúc tụng và xin ơn cần thiết cho hồn xác, đó là những tâm tình của việc cầu nguyện. Nó nằm ở bề sâu tấm lòng của con người. Chính trong bề sâu của lòng ta, mà ta có kinh nghiệm rằng : Thiên Chúa rất gần gũi, đáng kính, đáng yêu. “Cảm nghiệm” khác với suy nghĩ hay suy luận, cảm nghiệm như một trực giác nghĩa là một cảm nhận trực tiếp không do suy luận nhưng do Chúa Thánh Thần gợi lên trong đáy lòng.
Cảm nghiệm về Thiên Chúa làm cho ta đạt tới mức thân mật với Thiên Chúa cách đơn sơ chân thành, nghĩ sao nói vậy. Cảm nghiệm sao bày tỏ vậy. Đây chính là đời sống chân thực ở mức độ cao. Chẳng hạn, cảm nghiệm của hai môn đệ làng Emmau :”Lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao ...” (Lc 24,30-34).
               
3. Sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần.
Giáo lý viên cần ý thức vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giê-su đã gởi đến để thường xuyên hướng dẫn uốn nắn mỗi Ki-tô hữu. Người gợi hứng cho ta biết cầu nguyện đơn sơ và chân thành với Chúa Cha. Người dạy ta cầu nguyện sao cho phải (xem thư gởi Rô-ma 8,26). Do đó, ta cứ  buông theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, uốn nắn, thì đời sống ta sẽ chân thực, không thể giả hiệu, giả hình. Buông theo Chúa Thánh Thần không phải là ta thả mình như “bèo lục bình trôi” nhưng là phải cố gắng dẹp bỏ mọi bám víu vấn vương bụi trần để Chúa Thánh Thần dẫn ta theo ý Chúa Cha trên trời.


V. ĐỜI SỐNG THỐNG NHẤT VÀ CHÂN THỰC CÓ LIÊN QUAN GÌ TỚI LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN.
Nhiệm vụ giáo lý viên đòi hỏi giáo lý viên hiểu biết Chúa Ki-tô mỗi ngày mỗi hơn và sống theo Người để đời sống luôn thống nhất và chân thực. Đây là việc không dễ, cần có nghị lực và quyết tâm, cần theo một kỷ luật bản thân bề trong (như ý nghĩ, tình cảm ...) lẫn bề ngoài (như lời nói, hành động ....) và cần lo liệu cho đời sống kỷ luật ấy phù hợp với hoàn cảnh của một giáo dân sống giữa đời. Vì thế, giáo lý viên cần xác tín về tầm quan trọng của mối liên quan giữa đời sống và linh đạo.



1. Càng sống thống nhất và chân thực, giáo lý viên càng làm chứng và dạy dỗ hữu hiệu hơn:
Muốn xác tín như vậy, giáo lý viên cần phải dẹp bỏ ý nghĩ sai lầm là mình chỉ là giáo dân sống giữa hoàn cảnh trần thế, làm sao tổ chức được đời sống kỷ luật và có điều kiện thuận lợi như các linh muc và tu sĩ.

Thực ra, giáo dân không thể tổ chức đời sống và có điều kiện thuận lợi như linh mục và tu sĩ, nhưng bất cứ Ki-tô hữu nào, bất cứ ai sống theo linh đạo nào cũng phải lo sắp xếp để có những lúc cầu nguyện với Chúa, gặp gỡ Chúa trong yên tĩnh và thinh lặng để lòng mình có điều kiện lắng xuống và cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận sự hướng dẫn và uốn nắn của Chúa Thánh Thần. Sống như vậy, giáo lý viên trở thành bằng chứng rõ ràng hơn cho học viên vì mình đã sống với Chúa thực sự, và mọi hoạt động của giáo lý viên sẽ có sức cảm hóa và thuyết phục mạnh mẽ hơn, đúng với đòi hỏi của linh đạo.

2. Càng sống thống nhất và chân thực, giáo lý viên càng đầy niềm vui và hy vọng để chia sẻ cho học viên và mọi người.
Cố gắng sống thống nhất và chân thực sẽ mang lại cho giáo lý viên niềm vui và tự hào, vì mình không hổ thẹn nói một đàng làm một nẻo, chỉ nói mà không làm. Nhưng mình cảm thấy an nhiên tự tại  nghĩa là an bình và hồn nhiên, vì đời sống chân thực và trong sáng ; tự tại là bản thân được thư thái vì mình sống trong trung thực, nói và làm đi đôi với nhau.

KẾT LUẬN: 
Đời sống thống nhất và chân thực là phong cách quan trọng và cần thiết của giáo lý viên, vì nó là dấu chỉ giáo lý viên sống đích thực linh đạo giáo lý viên của mình trước mặt học viên cũng như mọi người. Giáo lý viên dạy sao sống vậy, dạy các em cầu nguyện thì mình cũng thực hành cầu nguyện như vậy. Phong cách này làm cho giáo lý viên dễ cảm hóa các học viên. Nhiệm vụ của giáo lý viên sẽ dễ dàng và chắc chắn hữu hiệu hơn. Đời sống thống nhất và chân thực theo linh đạo giáo lý viên sẽ làm cho giáo lý viên hưởng được hoa quả của Chúa Thánh Thần là : bác ái, hoan lạc, bình an, trung tín, hiền hòa (x.Gl 5,22-23).

Giáo lý viên sẽ được hưởng hoa quả của Chúa Thánh Thần thì nhân danh Hội Thánh, giáo lý viên phải là người gieo rắc niềm vui và hy vọng mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đã đem lại cho mình.




I. CỞI MỞ LÀ GÌ ?
Ta thường nghe nói thời bây giờ là thời mở cửa. Mở cửa là để ở trong đó có thể đi ra ngoài và ở bên ngoài có thể vào trong, có hai chiều. Nếu đóng cửa thì ở trong không ra được bên ngoài và ở ngoài không vào được bên trong. Cởi mở cũng vậy,  nhưng khác một chút, vì nó là một thái độ, một phong cách xử sự, vừa dễ dàng vừa tự nhiên, để mở cửa đón nhận người khác vào, và để ra khỏi mình đi đến với người khác. Cởi mở tạo điềukiện cho sự giao lưu, có đi có lại rất cần thiết và ích lợi cho xã hội hôm nay.

II. CỞI MỞ VỚI LỜI CHÚA
Giáo lý viên có nhiệm vụ chính là truyền giảng Lời Chúa nên phong cách trước hết trong linh đạo giáo lý viên là cởi mở với Lời Chúa. Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh, được Hội Thánh công bố, được cử hành trong Phụng Vụ, được các thánh thực thi trong đời sống. Cởi mở với Lời Chúa qua những điểm trên là để gặp gỡ Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô ẩn dấu trong Lời Người, trong các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Đức Ki-tô trong anh chị em đang sống bên ta. Vì thế, cởi mở với Lời Chúa có nghĩa là cởi mở với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với thế giới. Cởi mở vừa đón nhận vừa đi đến với nhau. Sau đây ta sẽ tìm hiểu rõ hơn từng điểm sau:

III. CỞI MỞ VỚI THIÊN CHÚA DUY NHẤT VÀ BA NGÔI
1. Tầm quan trọng của Chúa Ba Ngôi:
Cởi mở để đón nhận gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi trong nơi sâu thẳm của lòng người. Việc cởi mở rất quan trọng vì làm cho đời người có một ý nghĩa, một hướng đi, nghĩa là làm cho ta :

+ Có những xác tín, những tin tưởng chắc chắn, đúng với sự thật về Thiên Chúa và loài người.

+ Có những tiêu chuẩn, những quy luật để giữ vào đó mà lượng giá tốt xấu cho đúng.

+ Có những thang giá trị để mà biết các giá trị nào cao thấp con người hơn con vật.

2. Cởi mở cách nào:

Cởi mở bằng cách để cho mình không bị lôi kéo và lệ thuộc vào cái gì khác (đó là mặt tiêu cực), nhưng tích cực là sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng :
+ Của Chúa Cha, Đấng đã trao ban cho ta Lời Chúa.

+ Của Chúa Con, là Đức Ki-tô, là Ngôi Lời, Đấng đã làm người để chỉ nói lên những gì đã nghe từ Chúa Cha.

+ Của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng trí tuệ và hâm nóng tâm hồn để hiểu Lời Chúa và yêu mến thực thi Lời Chúa.

3. Liên quan giữa cởi mở với Chúa Ba Ngôi:
Cởi mở với Lời Chúa là một phong cách, một lối sống linh đạo giáo lý viên, phong  cách này bén rễ nơi Lời Hằng Sống, phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Phong cách này bao gồm một thái độ nội tâm, muốn gắn bó chặt chẽ :
Để dự phần vào tình yêu của Chúa Cha là tình yêu muốn cho mọi người được biết sự thật và được cứu độ.

Để hiệp thông với Chúa Ki-tô, dự phần vào những tâm tình của Người (xem thư Pl 2,5) và sống trong cảm nghiệm rằng Người luôn luôn có mặt để an ủi như Thánh Phao-lô đã cảm nhận :”Đừng sợ. cứ nói đi, đừng làm thinh, đừng câm điếc, vì Thầy ở với con.” (xem Công Vụ Tông Đò 18,9-10).

Để buông mình cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi mình thành nhân chứng can đảm  Chúa Ki-tô và thành người sáng suốt loan báo Lời của Người.



IV. CỞI MỞ VỚI HỘI THÁNH
1. Tầm quan trọng của Hội Thánh
Hội Thánh được Chúa Ki-tô trao phó để giữ gìn Lời Chúa cách trung tín và được Chúa Thánh Thần giúp đỡ để hiểu sâu và công bố Lời Chúa cho mọi người. Hội Thánh là người sai giáo lý viên đi như một thành phần của mình để giáo lý viên góp phần xây dựng Hội Thánh. Vì thế, giáo lý viên phải ý thức sâu sắc rằng: mình tùy thuộc và có trách nhiệm với Hội Thánh , mình là thành phần chủ động của Hội Thánh, Hội Thánh là dấu chỉ ơn cứu độ cho tất cả mọi người, Hội Thánh đòi hỏi giáo lý viên phải quyết tâm làm cho mình được giàu có thêm nhờ những ân huệ đa dạng của Hột Thánh, để cũng trở thành dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ trong cộng đồng anh em mình.

Công việc của giáo lý viên không phải là công việc có tính cách cá nhân, riêng rẽ, nhưng luôn luôn là một việc có tính cách Giáo Hội . Thật sâu sắc, nghĩa là mang tính cộng đồng và hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội.

2. Cởi mở cách nào ?
Cởi mở với Hội Thánh bằng cách luôn luôn tỏ lòng hiếu thảo với Hội Thánh, tận tâm phục vụ Hội Thánh, sẵn sàng chịu khổ với Hội Thánh , đặc biệt cởi mở với Hội Thánh được thực hiện trong công việc :

-          Gắn  bó và vâng phục Đức Giáo Hoàng là trung tâm hiệp nhất và là mối giây thông hiệp tất cả thành phần Giáo Hội.

-          Gắn bó và vâng phục Đức Giám Mục của mình là người cha và là người  lãnh đạo địa phương, và với những vị đại diện cũng như những người cộng tác với các ngài.

-          Tham gia với tinh thần trách nhiệm vào công việc mà Hội Thánh đang hành trình trên trần gian phải làm, đó là việc Phúc Âm hóa, việc truyền giáo ; đồng thời cùng chia sẻ với Hội Thánh khát vọng được gặp gỡ trong vinh quang với Chúa Ki-tô mai sau.

3. Liên quan giữa cởi mở với Hội Thánh và linh đạo giáo lý viên.
Tinh thần Giáo Hội phải là đặc điểm trong linh đạo giáo lý viên và phải được biểu hiện trong lòng yêu mến chân thành đối với Hội Thánh, theo gương Chúa Ki-tô “Đấng đã yêu mến và đã tự hiến cho Hội Thánh” (Ep 5,25). Giáo lý viên phải có một lòng yêu mến chủ động, không loại trừ mà cũng không thiên vị ai. Yêu mến để dự phần vào sứ mạng cứu độ của Hội Thánh đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống nếu cần.


V. CỞI MỞ VỚI THẾ GIỚI
1. Tầm quan trọng của Hội Thánh
Giáo lý viên không được coi thế giới như thế gian với nghĩa xấu chứa đầy gian ác ( theo Tin Mừng Gioan). Cần ý thức đúng tầm quan trọng của thế giới trong chương trình cứu độ của Chúa.

Thế giới được tạo dựng do đức ái vĩnh hằng của Chúa Cha và là nơi cũng do đức ái vĩnh hằng ấy, Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện cứu độ có kế hoạch.

Thế giới là nơi Chúa Con, là nơi Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong lịch sử để cắm lều và ở giữa loài người, hầu cứu độ tất cả loài người và vạn vật.

Thế giới là nơi mà Chú Thánh Thần được gởi đến để thánh hóa mọi người và lập Hội Thánh, để tất cả được “đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong một Thánh Thần duy nhất”. (Ep 2,18)

2. Cởi mở bằng cách nào?
Cởi mở bằng cách quan tâm đến mọi nhu cầu của thế giới, là nơi mình biết mình được sai đến để hoạt động trong đó, nhưng là không được hoàn toàn lệ thuộc vào nó. Cởi mở theo cách đó thì giáo lý viên phải làm:

a. Luôn hội nhập vào hoàn cảnh sống của mọi người, của anh chị em mình, không tức tách mình ra hoặc để mình tụt hậu vì sợ khó hoặc muốn an toàn.

b. Luôn có một cái nhìn siêu nhiên về cuộc sống chứ không chỉ nhằm tới vật chất và luôn tin rằng : Lời từ miệng Chúa phán ra thế nào cũng có hiệu quả. Lời ấy sẽ chẳng trở về Chúa mà lại không hoàn thành sứ mệnh cứu độ của Lời Chúa.

3. Liên quan giữa cởi mở với thế giới và linh đạo giáo lý viên.
Linh đạo giáo lý viên đòi hỏi phải cởi mở với thế giới là vì “Đức Ái Tông Đồ”, đức ái mà chính Chúa Giê-su mục tử tốt lành “Đấng đã đến để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác”. (Ga 1,52). Đức ái tông đồ của giáo lý viên thúc đẩy giáo lý viên cởi mở để đến với thế giới và đón nhận thế giưới vào lòng mình. Giáo lý viên phải là người của đức ái, nghĩa là muố đến gần mỗi anh chị em để loan báo cho họ rằng : họ được Thiên Chúa yêu mến và cứu đọ cùng với tất cả gia đình nhan loại.

KẾT LUẬN VỀ VIỆC CỞI MỞ VỚI LỜI CHÚA PHẢI NHƯ THẾ NÀO:
Cởi mở với Lời Chúa là phong cách làm nền tảng trong linh đạo giáo lý viên. Giáo lý viên phải mở trí, mở lòng lòng để đón nhận Lời Chúa, để tìm hiểu, suy gẫm thấm nhuần Lời Chúa, để nhờ đó tấm lòng mình được thôi thúc bởi đức ái tông đồ, nghĩa là bởi lòng yêu mến muốn đem mọi người vào gia đình Thiên Chúa, được làm con cái Thiên Chúa và làm anh em với nhau. Thấm nhuần  tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thấm nhuần đức ái mục tử của Chúa Ki-tô, giáo lý viên cùng với mọi thành phần trong Hội Thánh vâng theo Chúa Thánh Thần, cởi mở để đi đến với thế giới loan báo Tin Mừng cứu độ, đón nhận thế giới vào Hội Thánh để góp phần hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi.




I. LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN LÀ GÌ ?
1. Ý nghĩa chung
Linh đạo giáo lý viên là một vấn đề mới được bàn tới gần đây. Giáo lý viên muốn hiểu thì cần nắm vững  về ơn gọi, căn tính cũng như vai trò, nhiệm vụ của giáo lý viên đã được trình bày trong các bài 1, 2, 3 trên (đã đăng). Linh đạo là đường lối thể hiện và biểu hiện căn tính và vai trò của giáo lý viên trong đời sống của mình.

Linh đạo là danh từ Ki-tô giáo dùng trong các sách tu đức, có thể nhiều hay ít giáo lý viên chưa có dịp nghe đến. Ngày nay, từ “linh đạo” được nói đến nhiều hơn trong các tài liệu của Tòa Thánh về linh mục, tu sĩ, giáo dan, giáo lý viên.  “Linh” có ý chỉ về thiêng liêng ; “Đạo” là đường lối trong Ki-tô giáo những người có một ơn gọi để sống trong bậc sống thích hợp ơn gọi ấy. Ơn gọi của mỗi người cũng có liên hệ chặt chẽ với năng khiếu và căn tính của họ. Vì thế, ai có căn tính nào thì phải theo đường lối sống đúng với căn tính ấy. Đường lối sống đúng với căn tính thì được gọi là linh đạo. Vậy theo nghĩa chung thì linh đạo là đường lối thiêng liêng để sống đúng với căn tính của mình.

2. Nghĩa chuyên môn
Đường lối thiêng liêng này không phải do mỗi người tự nghĩ ra cho mình để sống theo, nhưng là đường lối do Chúa Thánh Thần chỉ dẫn. Vì Chúa Thánh Thần là Đấng kêu mời mỗi người sống phù hợp với ơn gọi ấy.  Vì Chúa Thánh Thần là Đấng kêu gọi mỗi người sống theo ơn gọi, nên Người cũng là Đấng dẫn đường chỉ lối để mỗi người sống phù hợp với ơn gọi ấy. Như thế : linh đạo là đường lối sống, là nếp sống hoàn toàn vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng giúp mỗi người thường xuyên đổi mới chính mình cho đúng với căn tính của mỗi người .

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA LINH ĐẠO
1. Để sống đúng căn tính
Tìm hiểu về linh đạo cho ta thấy mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa căn tính mỗi người với linh đạo. Mỗi người có ơn gọi căn tính, với vai trò và nhiệm vụ riêng, muốn sống đúng với ơn gọi và căn tính ấy thì phải theo một dường lối, một nếp sống thích hợp, không theo một linh đạo thích hợp thì không thể thực hiện đúng ơn gọi của mình.
Thực ra sống theo một linh đạo chẳng qua là một cách hội nhập, một cách thích nghi hay nhập thể ơn gọi vào đời sống đời thường của mình : giáo dân sống đời hôn nhân ở giữa trần thế không thể theo linh đạo của tu sĩ được. Do dố, muốn sống đúng căn tính của mình ta cần phải theo một linh đạo thích hợp.

2. Để dễ dàng thành công hơn
Ơn gọi của mỗi người đều do Chúa Thánh Thần kêu mời, vừa do chính Người soi sáng dẫn đường để sống theo linh đạo thích hợp. Việc của ta là vâng theo và để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn.
Trong lịch sử Hội Thánh cũng có nhiều người vâng theo Chúa Thánh Thần uốn nắn và họ đã thành công trong việc sống đúng căn tính của mình và trở thành những vĩ nhân trong Hội Thánh gọi là các thánh.

3. Các thứ linh đạo
Hội Thánh dựa vào kinh nghiệm đã sống theo linh đạo của các thánh để trình bày về linh đạo : linh đạo linh mục, linh đạo tu sĩ, linh đạo giáo dân, linh đạo giáo lý viên.


III. BẢN CHẤT CỦA TẤT CẢ CÁC LINH ĐẠO
Chúng ta đã biết ơn gọi của tất cả những Ki-tô hữu, dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ  chính là nên thánh, là sống thánh thiện, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa và làm cho mọi người yêu mến Thiên Chúa, mà linh đạo là đường lối thể hiện ơn gọi đó; vì thế : bản chất của tất cả các linh đạo là sống đời sống thánh thiện đi đôi với làm, làm cho người khác yêu mến Thiên Chúa, nghĩa là Phúc Âm hóa.

1. Sống Thánh thiện
Bất cứ linh đạo nào cũng phải là một đường lối giúp người Ki-tô hữu nên thánh hay sống thánh thiện.

 a. Lý do: Chính Chúa Giê-su đã dạy :”Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.” (Mt 5,48). Thánh Phao-lô cũng khuyên các giáo hữu : sống xứng đáng như các vị thánh ( Ep 5,3). Thật vậy, khi chịu Phép Thanh Tẩy, Ki-tô hữu đã nên con cái Thiên Chúa được thông phần vào bản tính của Ngài và trở nên Thánh. Vì thế, mọi Ki-tô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống của mình (Hiến Chế về Hội Thánh)

b. Ý nghĩa:  Nên thánh hay nên trọn lành có ý nghĩa là : Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và yêu mến Thiên Chúa thật thì phải khao khát làm cho Thiên Chúa được mọi người mến yêu.

2. Đi đôi với việc Phúc Âm hóa hay truyền giáo
Phúc Âm hóa là làm cho người khác hiểu và yêu mến Thiên Chúa.

a. Bổn phận: Ki-tô hữu đã được Phúc Âm hóa rồi thì có bổn phận Phúc Âm hóa cho người khác. Đức Gioan-Phaolô II đã nói trong Tông Huấn “Người Ki-tô hữu giáo dân” : “Trong vườn nho Chúa, không một người Ki-tô hữu được phép ăn không ngồi rồi” . Dù là giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân ai cũng phải truyền giáo, vì tự bản tính Hội Thánh là truyền giáo.

b. Khẩn cấp: Việc truyền giáo còn là việc khẩn cấp, vì đây là việc phục vụ hàng đầu mà Hội Thánh có thể dành cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại trong thế giới hôm nay.



IV. BẢN CHẤT CỦA LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN
Cần phải có một linh đạo riêng cho giáo lý viên, phải phát xuất từ ơn gọi và sứ mệnh của họ, ý nghĩa là giáo lý viên phải vâng theo Chúa Thánh Thần để sống thánh thiện và truyền giáo theo cách của một giáo lý viên giáo dân.

1. Sống thánh thiện theo cách của giáo lý viên trần thế
Linh đạo giáo dân liên hệ chặt chẽ với ơn gọi của Ki-tô hữu giáo dân. Ki-tô hữu giáo dân được tham gia vào chức vụ Ngôn sứ (Tiên tri); Tư tế; và Vương giả của Đức Ki-tô, theo tính cách riêng của mình. Tính cách riêng đây chính là “tính cách trần thế”.

a. Ý nghĩa: Giáo lý viên giáo dân ở giữa trần thế là có bổn phận làm cho các “thực tại trần thế” (như đời hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp...) thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và trở nên hoàn hảo và như thế họ làm chứng cho Đức Ki-tô cách đặc biệt trong việc điều hành những thực tại trên và trong việc thi hành những nghĩa vụ trần thế.

b. Thực hành: Giáo lý viên dùng mọi hoạt động giáo lý của mình, soạn bài và giảng dạy giáo lý thật chu đáo, để tỏ lòng yêu mến và giúp học viên yêu mến Chúa.
Khi giáo lý viên kết hôn thì đời sống hôn nhân cũng dự phần linh đạo giáo lý viên, nghĩa là khi giáo lý viên chu toàn những đòi hỏi hôn nhân của Ki-tô giáo để vợ chồng yêu thương chung thủy với nhau và cùng giáo dục con cái theo luật Chúa. Và như thế thì giáo lý viên làm chứng cho giá trị hôn nhân Ki-tô giáo và cũng làm cho vợ chồng con cái góp phần vào hoạt động giáo lý của mình, để gia đình thật sự là một “tụ điểm” trong hoạt động tông đò.

2. Phúc Âm hóa theo cách của giáo lý viên giáo dân
Ở trên đây đã cho biết giáo lý viên giáo dân có vai trò và nhiệm vụ phong phú đa dạng. Đó là những phương thế khác nhau để Phúc Âm hóa hay truyền giáo. Giáo lý viên không được lầm tưởng rằng mình cứ lo giảng dạy giáo lý cho học viên đúng tiêu chuẩn là đủ rồi. Nhưng là giáo lý viên giáo dân nên :

a. Trước hết, chính bản thân:  Giáo lý viên phải quan tâm việc Phúc Âm hóa cho mọi người khác hơn giáo dân vì mình có điều kiện hơn, quan tâm bằng lời cầu nguyện và sẵn sàng trao đổi, đối thoại với  những ai muốn hiểu biết về Ki-tô giáo.

b. Khi giảng dạy giáo lý cho học viên: Giáo lý viên phải tập cho học viên quen cầu nguyện cho việc truyền giáo, và cũng tập cho học viên, nhất là học sinh biết truyền giáo cho bạn bè mình bằng đời sống chăm ngoan, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè vượt khó.

Tóm lại, bản chất linh đạo của giáo lý viên là : sống thánh thiện đi đôi với việc Phúc Âm hóa người khác hay truyền giáo, ngay trong lúc chu toàn vai trò và nhiệm vụ của giáo lý viên giáo dân hằng ngày. Giáo lý viên sống thánh thiện để hoạt động giáo lý của mình được sinh hoa kết quả và giáo lý viên dùng mọi hoạt động giáo lý của mình để nên Thánh. ĐGH Gioan-Phaolô II đã nói : “Người truyền giáo đích thực đó là một vị thánh.”

c. Linh đạo giáo lý viên được biểu hiện như thế nào: Để giúp giáo lý viên dễ sống linh đạo giáo lý viên đúng hơn. Giáo Hội đã tóm tắt trong 4 phong cách tức là cung cách, hay là cách thức sinh hoạt, làm việc và xử sự, tạo nên dáng vẻ riêng của một người. Linh đạo giáo lý viên có thể được biểu hiện trong 4 phong cách sau đây :

- Cởi mở với Lời Chúa, bao gồm ý nghĩa cởi mở với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Hội Thánh và với thế giới.

- Đời sống thống nhất và chân thật.

- Nhiệt tâm truyền giáo.

- Tinh thần của Đức Maria.

KẾT LUẬN: Trong thời đại khoa học kỹ thuật này, muốn thành công trong lĩnh vực vật chất cũng như tinh thần, đều cần phải có đường lối, vừa dựa theo kinh nghiệm, vừa thích hợp với hòan cảnh. Giáo lý viên muốn trở thành một giáo lý viên đúng nghĩa một tông đồ của thời đại hôm nay cần tập sống theo 4 phong cách sẽ trình bày tiếp theo.




I. Tại sao phải đổi mới
                
Ở Việt Nam ngày nay, vì hoàn cảnh, hình ảnh người giáo lý viên ở nhiều nơi không được tốt đẹp cho lắm, vì họ ít được huấn luyện chu đáo, lại chỉ giữ vai trò, nhiệm vụ phụ thuộc : người giáo sĩ hay tu sĩ thường giữ vai trò chính và người giáo dân cũng tín nhiệm giáo sĩ hay tu sĩ hơn. Vì thế, không thể không nghĩ tới việc đổi mới và tăng cường hình ảnh người giáo lý viên cho đúng căn tính họ.

                1. Trong qua khứ
                
Mọi người đều nhận thấy hoạt động của giáo lý viên nhiều khi khiêm tốn và kín đáo, nhưng nhiệt thành, hăng hái và quảng đại. Đó là hình thức tuyệt vời của việc tông đồ giáo dân. Họ rất xứng đáng nhận danh hiệu là giáo lý viên hơn hết, đặc biệt là các xứ truyền giáo. Riêng ở Việt Nam trước đây, qua nhiều hình thức khác nhau như : thầy giảng, quý chức, ông quản, bà quản, ông trương, bà trương ...
                Trong xứ đạo, họ đã góp phần tích cực để thiết lập và phát triển những giáo xứ mới, họ đạo mới. nhiều người đã hiến cả mạng sống vì nhiệm vụ của giáo lý viên như thầy giảng Chân Phước An-rê Phú Yên chẳng hạn. Họ là niềm tự hào của Hội Thánh truyền giáo, mà nếu không có họ thì nhiều người, giáo đoàn thịnh đạt ngày nay có lẽ sẽ không được thành lập.

                2. Ngày nay
                
Hội Thánh đang muốn dốc toàn lực về việc truyền giáo, mà việc truyền giáo cho thế giới hôm nay cần được đổi mới khác xưa rất nhiều. Riêng ở Việt Nam, Ki-tô hữu chỉ là thiểu số giữa đa số rất lớn dân chúng (93%). Có những người theo những tôn giáo lâu đời như Phật giáo, khổng giáo đã có những ảnh hưởng sâu rộng trong dân tộc. Hơn nữa, có những người chịu ảnh hưởng của xã hội ngày nay rất nhiều. Xã hội ngày nay rất dững dưng với tôn giáo, có khi coi tôn giáo là một cản trở tiến bộ con người, như thế, việc truyền giáo cho xã hội chắc chắn đòi hỏi giáo lý viên phải được chuẩn bị và nâng cấp cho thích đáng : không những thấm nhuần đạo lý của Tin Mừng mà còn phải hiểu dúng về các tôn giáo ở địa phương mình. Việc truyền giáo cho xã hội ấy, chắc chắn đòi hỏi giáo lý viên phải sống thánh thiện, có lòng can đảm và nhiệt tâm truyền giáo.


II Dành ưu tiên tuyệt đói để nâng cao phẩm chất
                Muốn củng cố và nâng cao phẩm giá người giáo lý viên hôm nay, việc đầu tiên là phải dành ưu tiên tuyệt đối để nâng cao phẩm chất của họ. Vì việc dạy giáo lý chưa được đạt hiệu quả tốt là do thiếu giáo lý viên được chuẩn bị thích đáng.
                Muốn chuẩn bị cho thích đáng thì phải tuyển chọn, huấn luyện và thực tập, rồi bồi dưỡng thường xuyên.

                Nhưng ĐGH Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh rằng : “Dạy giáo lý là việc dạy Phúc Âm căn bản, cần có nhiều thợ về số lượng và nhất là phẩm chất.”


III. Chú trọng hơn đến việc nhiệt tâm truyền giáo
                
Việc thứ hai phải suy nghĩ và củng cố người giáo lý viên là chú trọng đến nhiệt tâm truyền giáo là lòng sốt sắng hăng say muốn đem Tin Mừng đến cho tất cả mọi người để họ nhận biết Thiên Chúa và tình yêu mến Ngài, lòng hăng say truyền giáo phải phát xuất từ lòng yêu mến Chúa.

                1. Lý do
                Ngày nay Hội Thánh đặc biệt hướng đến muôn dân, nhất là ở các xứ truyền giáo thì nhiệt tâm truyền giáo càng cần thiết hơn. Giáo lý viên Việt Nam ở các xứ truyền giáo sống giữa 93% người chưa biết Ki-tô giáo, riêng ở Giáo phận Ban Mê Thuột là 97%, thế mà thiếu nhiệt tâm truyền giáo là chuyện bất thường. Giáo lý viên phải ý thức mình đang mang trách nhiệm của người tông đò giáo dân tiền tuyến.
                Do đó, giáo lý viên Việt Nam phải được huấn luyện để làm nổi bật nhiệt tâm truyền giáo như đã có trong thời trước đây.

                2. Để thực hiện nhiệt tâm truyền giáo
                Giáo lý viên đã tình nguyện dạy giáo lý là muốn cho Chúa được yêu mến và hiểu biết hơn. Nhưng nếu có nhiệt tâm truyền giáo thì giáo lý viên không thể bằng lòng chỉ giới hạn trong việc dạy giáo lý cho trẻ em có đạo, nhưng phải luôn sẵn sàng dùng mọi cơ hội có thể.

                                a. Để đích thân mình làm việc truyền giáo như: cầu nguyện, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với người chưa biết Ki-tô giáo.

                                b. Ngay khi dạy giáo lý cho học viên, cũng hướng dẫn học viên cầu nguyện cho việc truyền giáo và tập cho các em truyền giáo cho các bạn bên lương, bằng cách yêu thương chăm học, kính trọng thầy cô, yêu thương bạn bè, sẵn sàng giúp bạn vượt khó ...

IV. Chọn lựa những phương thế thích đáng
                
Để đạt được hai mục tiêu trên, tức là nâng cao phẩm chất và củng cố nhiệt tâm truyền giáo cho giáo lý viên, ta cần chọn những phương thế thích đáng như :
                1. Soạn thảo chương trình huấn luyện cụ thể để chuẩn bị cách tốt nhất.
                2. Tổ chức cơ cấu cho thích hợp, tìm kiếm kinh phí.
                3. Tìm những huấn luyện viên chuyên mon.
                Mỗi địa phương phải tùy theo hoàn cảnh và khả năng đạt tới những mục tiêu trên. Nhưng tất cả đều phải cố gắng đạt được ít là tối thiểu bất chấp mọi khó khăn.


V. Củng cố các nhân sự nòng cốt (nhân sự khung)
                1. Ý nghĩa
                
Nòng cốt là bộ phận chủ yếu, làm chỗ dựa vững chắc cho những bộ phận khác xung quanh như : cái khung  nhà, khung cửa, khung xe ... Nhân viên nòng cốt là người có vai trò thực hiện công tác chủ yếu để xây dựng và làm chỗ dựa cho những người khác.

                2. Hoạt động
                
Nhân sự nòng cốt trong giáo lý phải hoạt động như : giáo lý viên chuyên nghiệp được huấn luyện trong những trung tâm thích đáng : “Dưới sự sự chỉ đạo của các mục tử hầu đạt được ở những vị trí then chốt trong tổ chức dạy giáo lý. Giáo lý viên nòng cốt phải lo đào tạo những thế hệ mới, phải khai thông cho họ và phải hướng dẫn để họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhân viên nòng cốt phải có mặt ở các cấp bậc: giáo xứ, giáo phận, quốc gia.”
                Đây là một điểm thật mới mẻ đối với giáo lý viên Việt  Nam hôm nay, vì Hội Thánh Việt Nam chưa trường đào tạo hay huấn luyện giáo lý viên, dù giáo lý viên thường hay nòng cốt.


VI. Phát triển một vài loại giáo lý viên mới
                Chúng ta hãy nhận dạng và xác định căn tính của họ để mọi người quan tâm và chuản bị

                1. Các giáo lý viên có tinh thần truyền giáo nổi bật
                Cần động viên các giáo lý viên này để họ trở thành những linh hoạt viên về truyền giáo cho các cộng đoàn Giáo Hội. Nếu được Chúa Thánh Thần mời gọi và các mục tử sai đi, họ sẵn sàng rời khỏi địa sở của mình ra đi loan báo Tin Mừng. Chuẩn bị cho các dự tòng lãnh hận phép Thánh Tẩy và góp phần vào xây dựng các giáo đoàn mới.

                2. Các giáo lý viên dấn thân tích cực vào việc dạy giáo lý
                Cần tăng số các giáo lý viên này vì có nhiều giáo đòn trẻ đang trên đà phát triển và đang đòi hỏi nhiều việc tông đồ giáo dân khác với việc của giáo lý viên. Vì thế, cũng cần có giáo lý viên đặc biệt (hay là biệt động) chẳng hạn như :
-          Các giáo lý viên dấn thân để làm hồi sinh các cộng đoàn mà đa số đã được rửa tội nhưng vì giáo lý và đời sống đức tin yếu kém.
-          Các giáo lý viên sẵn sàng đáp ứng những thách thức mới ngày nay như :

a Việc đô thị hóa, tức là việc tập trung dân ngày càng đông ở các đô thị làm cho vai trò của đô thị ngày càng tăng cao, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

b. Việc mở các trường học gia tăng, sinh viên, học sinh ngày càng đông.
c. Vấn đề giới trẻ, vấn đề di dân.

d. Vấn đề thế tục hóa làm cho mọi người rời bỏ tôn giáo, rời bỏ tu trì không muốn bị Hội Thánh chi phối.

e. Vấn đề văn nghệ quần chúng được các phương tiện thông tin đại chúng cổ vũ.

f. Vấn đề thể dục, thể thao.



 Sưu tầm

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.