Chuyện kể rằng có một thương gia muốn đi tìm một ngôi làng hoàn hảo vì ông không tìm thấy hạnh phúc trong ngôi làng của ông. Ông đã đi qua nhiều ngôi làng nhưng không tìm thấy ngôi làng nào vừa ý để cho ông định cư sinh sống. Trước khi tới mỗi ngôi làng, người thương gia tìm gặp vị bô lão trưởng làng để hỏi: Xin ông cho tôi biết những người trong ngôi làng của ông là loại người như thế nào. Mỗi nơi ấy, vị bô lão đều có một câu trả lời tương tự như nhau: Người trong làng của tôi không được tốt lắm. Có người ích kỷ quá, và cũng có người quảng đại. Có người dững dưng chỉ lo cho bản thân họ, nhưng cũng có người xả thân lo cho việc chung. Có người không quan tâm lo cho con cái và giáo dục con cái, nhưng cũng có người tình nguyện lo cho việc giáo dục. Có người chỉ lo phê bình chỉ trích, nhưng cũng có người tích cực giảng hòa và tha thứ. Vị trưởng làng cũng nói thêm rằng: Nếu ông muốn tìm một ngôi làng hạnh phúc, ông hãy bắt tay vào việc xây dựng ngôi làng chứ đừng chỉ nói về ngôi làng hành phúc.

Sau nhiều năm tìm kiếm, khi tuổi đã già, mắt đã mờ, và sức đã mỏi, ông cũng may mắn tìm được ngôi làng mà theo ý ông là hoàn hảo. Sau một thời gian sinh sống, ông dần dần khám phá ra sự quen thuộc của những giọng nói, cảnh vật, cuối cùng ông nhận ra rằng. Ngôi làng hạnh phúc cũng chính là ngôi làng ông đã bỏ đi.





Các bạn trẻ rất thân mến, chúng ta vẫn thường hay nói, “Đứng núi này trông núi nọ.” Điều này cũng có ý nghĩa áp dụng cho những ai chỉ muốn hưởng những thành quả mà ngại dấn thân. Sự dấn thân ở đây không chỉ được hiểu là làm việc, nhưng quan trọng hơn chính là dấn thân trong tư tưởng. Dấn thân trong tư tưởng nghĩa là thừa nhận sự khác biệt của người khác, sự bất toàn của người khác. Nếu tư tưởng của ta biết đón nhận sự khác biệt và những giới hạn của người khác, điều đó sẽ giúp ta định hướng trong việc xây dựng hiệp nhất.

Một trong những nguyên nhân của sự bất hòa trong tập thể là vì chúng ta mong muốn người khác theo ý của mình. Chúng ta thường hay nhủ thầm trong lòng mình là tại sao người này lại làm như vậy?! Lẽ ra bạn không nên làm như vậy! Khi suy nghĩ như thế, chúng ta cũng dựa vào một tiêu chuẩn của một tập thể nào đó mà theo ta nghĩ là tập thể ấy tốt hơn tập thể của ta. Vì lý do đó chúng ta hoặc bắt người khác theo ý ta, hoặc muốn người khác theo tập thể mà mình biết đến. Nhưng trong thực tế thì khác. Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh, mỗi tập thể cũng khác nhau. Làm sao chúng ta có thể hiểu hết những hậu cảnh bên trong để muốn người này người nọ hành động theo ý của mình.

Vì sự đòi hỏi này, mà thường là không phù hợp, mà chính ta muốn bỏ cuộc trong việc xây dựng tập thể của mình. Câu chuyện trong phần mở đầu đã minh họa cho chúng ta điều đó khi chúng ta muốn đi tìm sự hưởng thụ cho một cộng đoàn lý tưởng có sẵn mà không muốn dấn thân xây dựng một tập thể của mình cho tốt hơn.

Hôm nay, Tôi mời bạn quan sát xem tập thể mình một cách công minh. Hãy nêu tên những điểm tích cực của cộng đoàn, những con người thiện chí ngày đêm xây dựng tập thể, trước khi bạn muốn thay đổi nó hay bỏ rơi nó. Khi làm như thế, hy vọng bạn sẽ có cái nhìn trung thực và khách quan hơn trong tiến trình xây dựng sự hiệp nhất trong tập thể mà điển hình là Nhóm Hiệp Nhất chúng ta.


CỎ ĐUÔI GÀ
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.