I. CỞI MỞ LÀ GÌ ?
Ta thường nghe nói thời bây giờ là thời mở cửa. Mở cửa là để ở trong đó có thể đi ra ngoài và ở bên ngoài có thể vào trong, có hai chiều. Nếu đóng cửa thì ở trong không ra được bên ngoài và ở ngoài không vào được bên trong. Cởi mở cũng vậy,  nhưng khác một chút, vì nó là một thái độ, một phong cách xử sự, vừa dễ dàng vừa tự nhiên, để mở cửa đón nhận người khác vào, và để ra khỏi mình đi đến với người khác. Cởi mở tạo điềukiện cho sự giao lưu, có đi có lại rất cần thiết và ích lợi cho xã hội hôm nay.

II. CỞI MỞ VỚI LỜI CHÚA
Giáo lý viên có nhiệm vụ chính là truyền giảng Lời Chúa nên phong cách trước hết trong linh đạo giáo lý viên là cởi mở với Lời Chúa. Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh, được Hội Thánh công bố, được cử hành trong Phụng Vụ, được các thánh thực thi trong đời sống. Cởi mở với Lời Chúa qua những điểm trên là để gặp gỡ Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô ẩn dấu trong Lời Người, trong các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Đức Ki-tô trong anh chị em đang sống bên ta. Vì thế, cởi mở với Lời Chúa có nghĩa là cởi mở với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với thế giới. Cởi mở vừa đón nhận vừa đi đến với nhau. Sau đây ta sẽ tìm hiểu rõ hơn từng điểm sau:

III. CỞI MỞ VỚI THIÊN CHÚA DUY NHẤT VÀ BA NGÔI
1. Tầm quan trọng của Chúa Ba Ngôi:
Cởi mở để đón nhận gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi trong nơi sâu thẳm của lòng người. Việc cởi mở rất quan trọng vì làm cho đời người có một ý nghĩa, một hướng đi, nghĩa là làm cho ta :

+ Có những xác tín, những tin tưởng chắc chắn, đúng với sự thật về Thiên Chúa và loài người.

+ Có những tiêu chuẩn, những quy luật để giữ vào đó mà lượng giá tốt xấu cho đúng.

+ Có những thang giá trị để mà biết các giá trị nào cao thấp con người hơn con vật.

2. Cởi mở cách nào:

Cởi mở bằng cách để cho mình không bị lôi kéo và lệ thuộc vào cái gì khác (đó là mặt tiêu cực), nhưng tích cực là sẵn sàng đón nhận ảnh hưởng :
+ Của Chúa Cha, Đấng đã trao ban cho ta Lời Chúa.

+ Của Chúa Con, là Đức Ki-tô, là Ngôi Lời, Đấng đã làm người để chỉ nói lên những gì đã nghe từ Chúa Cha.

+ Của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng trí tuệ và hâm nóng tâm hồn để hiểu Lời Chúa và yêu mến thực thi Lời Chúa.

3. Liên quan giữa cởi mở với Chúa Ba Ngôi:
Cởi mở với Lời Chúa là một phong cách, một lối sống linh đạo giáo lý viên, phong  cách này bén rễ nơi Lời Hằng Sống, phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Phong cách này bao gồm một thái độ nội tâm, muốn gắn bó chặt chẽ :
Để dự phần vào tình yêu của Chúa Cha là tình yêu muốn cho mọi người được biết sự thật và được cứu độ.

Để hiệp thông với Chúa Ki-tô, dự phần vào những tâm tình của Người (xem thư Pl 2,5) và sống trong cảm nghiệm rằng Người luôn luôn có mặt để an ủi như Thánh Phao-lô đã cảm nhận :”Đừng sợ. cứ nói đi, đừng làm thinh, đừng câm điếc, vì Thầy ở với con.” (xem Công Vụ Tông Đò 18,9-10).

Để buông mình cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi mình thành nhân chứng can đảm  Chúa Ki-tô và thành người sáng suốt loan báo Lời của Người.



IV. CỞI MỞ VỚI HỘI THÁNH
1. Tầm quan trọng của Hội Thánh
Hội Thánh được Chúa Ki-tô trao phó để giữ gìn Lời Chúa cách trung tín và được Chúa Thánh Thần giúp đỡ để hiểu sâu và công bố Lời Chúa cho mọi người. Hội Thánh là người sai giáo lý viên đi như một thành phần của mình để giáo lý viên góp phần xây dựng Hội Thánh. Vì thế, giáo lý viên phải ý thức sâu sắc rằng: mình tùy thuộc và có trách nhiệm với Hội Thánh , mình là thành phần chủ động của Hội Thánh, Hội Thánh là dấu chỉ ơn cứu độ cho tất cả mọi người, Hội Thánh đòi hỏi giáo lý viên phải quyết tâm làm cho mình được giàu có thêm nhờ những ân huệ đa dạng của Hột Thánh, để cũng trở thành dấu chỉ hữu hình của ơn cứu độ trong cộng đồng anh em mình.

Công việc của giáo lý viên không phải là công việc có tính cách cá nhân, riêng rẽ, nhưng luôn luôn là một việc có tính cách Giáo Hội . Thật sâu sắc, nghĩa là mang tính cộng đồng và hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội.

2. Cởi mở cách nào ?
Cởi mở với Hội Thánh bằng cách luôn luôn tỏ lòng hiếu thảo với Hội Thánh, tận tâm phục vụ Hội Thánh, sẵn sàng chịu khổ với Hội Thánh , đặc biệt cởi mở với Hội Thánh được thực hiện trong công việc :

-          Gắn  bó và vâng phục Đức Giáo Hoàng là trung tâm hiệp nhất và là mối giây thông hiệp tất cả thành phần Giáo Hội.

-          Gắn bó và vâng phục Đức Giám Mục của mình là người cha và là người  lãnh đạo địa phương, và với những vị đại diện cũng như những người cộng tác với các ngài.

-          Tham gia với tinh thần trách nhiệm vào công việc mà Hội Thánh đang hành trình trên trần gian phải làm, đó là việc Phúc Âm hóa, việc truyền giáo ; đồng thời cùng chia sẻ với Hội Thánh khát vọng được gặp gỡ trong vinh quang với Chúa Ki-tô mai sau.

3. Liên quan giữa cởi mở với Hội Thánh và linh đạo giáo lý viên.
Tinh thần Giáo Hội phải là đặc điểm trong linh đạo giáo lý viên và phải được biểu hiện trong lòng yêu mến chân thành đối với Hội Thánh, theo gương Chúa Ki-tô “Đấng đã yêu mến và đã tự hiến cho Hội Thánh” (Ep 5,25). Giáo lý viên phải có một lòng yêu mến chủ động, không loại trừ mà cũng không thiên vị ai. Yêu mến để dự phần vào sứ mạng cứu độ của Hội Thánh đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống nếu cần.


V. CỞI MỞ VỚI THẾ GIỚI
1. Tầm quan trọng của Hội Thánh
Giáo lý viên không được coi thế giới như thế gian với nghĩa xấu chứa đầy gian ác ( theo Tin Mừng Gioan). Cần ý thức đúng tầm quan trọng của thế giới trong chương trình cứu độ của Chúa.

Thế giới được tạo dựng do đức ái vĩnh hằng của Chúa Cha và là nơi cũng do đức ái vĩnh hằng ấy, Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện cứu độ có kế hoạch.

Thế giới là nơi Chúa Con, là nơi Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong lịch sử để cắm lều và ở giữa loài người, hầu cứu độ tất cả loài người và vạn vật.

Thế giới là nơi mà Chú Thánh Thần được gởi đến để thánh hóa mọi người và lập Hội Thánh, để tất cả được “đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong một Thánh Thần duy nhất”. (Ep 2,18)

2. Cởi mở bằng cách nào?
Cởi mở bằng cách quan tâm đến mọi nhu cầu của thế giới, là nơi mình biết mình được sai đến để hoạt động trong đó, nhưng là không được hoàn toàn lệ thuộc vào nó. Cởi mở theo cách đó thì giáo lý viên phải làm:

a. Luôn hội nhập vào hoàn cảnh sống của mọi người, của anh chị em mình, không tức tách mình ra hoặc để mình tụt hậu vì sợ khó hoặc muốn an toàn.

b. Luôn có một cái nhìn siêu nhiên về cuộc sống chứ không chỉ nhằm tới vật chất và luôn tin rằng : Lời từ miệng Chúa phán ra thế nào cũng có hiệu quả. Lời ấy sẽ chẳng trở về Chúa mà lại không hoàn thành sứ mệnh cứu độ của Lời Chúa.

3. Liên quan giữa cởi mở với thế giới và linh đạo giáo lý viên.
Linh đạo giáo lý viên đòi hỏi phải cởi mở với thế giới là vì “Đức Ái Tông Đồ”, đức ái mà chính Chúa Giê-su mục tử tốt lành “Đấng đã đến để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác”. (Ga 1,52). Đức ái tông đồ của giáo lý viên thúc đẩy giáo lý viên cởi mở để đến với thế giới và đón nhận thế giưới vào lòng mình. Giáo lý viên phải là người của đức ái, nghĩa là muố đến gần mỗi anh chị em để loan báo cho họ rằng : họ được Thiên Chúa yêu mến và cứu đọ cùng với tất cả gia đình nhan loại.

KẾT LUẬN VỀ VIỆC CỞI MỞ VỚI LỜI CHÚA PHẢI NHƯ THẾ NÀO:
Cởi mở với Lời Chúa là phong cách làm nền tảng trong linh đạo giáo lý viên. Giáo lý viên phải mở trí, mở lòng lòng để đón nhận Lời Chúa, để tìm hiểu, suy gẫm thấm nhuần Lời Chúa, để nhờ đó tấm lòng mình được thôi thúc bởi đức ái tông đồ, nghĩa là bởi lòng yêu mến muốn đem mọi người vào gia đình Thiên Chúa, được làm con cái Thiên Chúa và làm anh em với nhau. Thấm nhuần  tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thấm nhuần đức ái mục tử của Chúa Ki-tô, giáo lý viên cùng với mọi thành phần trong Hội Thánh vâng theo Chúa Thánh Thần, cởi mở để đi đến với thế giới loan báo Tin Mừng cứu độ, đón nhận thế giới vào Hội Thánh để góp phần hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.