I. LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN LÀ GÌ ?
1. Ý nghĩa chung
Linh đạo giáo lý viên là một vấn đề mới được bàn tới gần đây. Giáo lý viên muốn hiểu thì cần nắm vững  về ơn gọi, căn tính cũng như vai trò, nhiệm vụ của giáo lý viên đã được trình bày trong các bài 1, 2, 3 trên (đã đăng). Linh đạo là đường lối thể hiện và biểu hiện căn tính và vai trò của giáo lý viên trong đời sống của mình.

Linh đạo là danh từ Ki-tô giáo dùng trong các sách tu đức, có thể nhiều hay ít giáo lý viên chưa có dịp nghe đến. Ngày nay, từ “linh đạo” được nói đến nhiều hơn trong các tài liệu của Tòa Thánh về linh mục, tu sĩ, giáo dan, giáo lý viên.  “Linh” có ý chỉ về thiêng liêng ; “Đạo” là đường lối trong Ki-tô giáo những người có một ơn gọi để sống trong bậc sống thích hợp ơn gọi ấy. Ơn gọi của mỗi người cũng có liên hệ chặt chẽ với năng khiếu và căn tính của họ. Vì thế, ai có căn tính nào thì phải theo đường lối sống đúng với căn tính ấy. Đường lối sống đúng với căn tính thì được gọi là linh đạo. Vậy theo nghĩa chung thì linh đạo là đường lối thiêng liêng để sống đúng với căn tính của mình.

2. Nghĩa chuyên môn
Đường lối thiêng liêng này không phải do mỗi người tự nghĩ ra cho mình để sống theo, nhưng là đường lối do Chúa Thánh Thần chỉ dẫn. Vì Chúa Thánh Thần là Đấng kêu mời mỗi người sống phù hợp với ơn gọi ấy.  Vì Chúa Thánh Thần là Đấng kêu gọi mỗi người sống theo ơn gọi, nên Người cũng là Đấng dẫn đường chỉ lối để mỗi người sống phù hợp với ơn gọi ấy. Như thế : linh đạo là đường lối sống, là nếp sống hoàn toàn vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng giúp mỗi người thường xuyên đổi mới chính mình cho đúng với căn tính của mỗi người .

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA LINH ĐẠO
1. Để sống đúng căn tính
Tìm hiểu về linh đạo cho ta thấy mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa căn tính mỗi người với linh đạo. Mỗi người có ơn gọi căn tính, với vai trò và nhiệm vụ riêng, muốn sống đúng với ơn gọi và căn tính ấy thì phải theo một dường lối, một nếp sống thích hợp, không theo một linh đạo thích hợp thì không thể thực hiện đúng ơn gọi của mình.
Thực ra sống theo một linh đạo chẳng qua là một cách hội nhập, một cách thích nghi hay nhập thể ơn gọi vào đời sống đời thường của mình : giáo dân sống đời hôn nhân ở giữa trần thế không thể theo linh đạo của tu sĩ được. Do dố, muốn sống đúng căn tính của mình ta cần phải theo một linh đạo thích hợp.

2. Để dễ dàng thành công hơn
Ơn gọi của mỗi người đều do Chúa Thánh Thần kêu mời, vừa do chính Người soi sáng dẫn đường để sống theo linh đạo thích hợp. Việc của ta là vâng theo và để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn.
Trong lịch sử Hội Thánh cũng có nhiều người vâng theo Chúa Thánh Thần uốn nắn và họ đã thành công trong việc sống đúng căn tính của mình và trở thành những vĩ nhân trong Hội Thánh gọi là các thánh.

3. Các thứ linh đạo
Hội Thánh dựa vào kinh nghiệm đã sống theo linh đạo của các thánh để trình bày về linh đạo : linh đạo linh mục, linh đạo tu sĩ, linh đạo giáo dân, linh đạo giáo lý viên.


III. BẢN CHẤT CỦA TẤT CẢ CÁC LINH ĐẠO
Chúng ta đã biết ơn gọi của tất cả những Ki-tô hữu, dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ  chính là nên thánh, là sống thánh thiện, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa và làm cho mọi người yêu mến Thiên Chúa, mà linh đạo là đường lối thể hiện ơn gọi đó; vì thế : bản chất của tất cả các linh đạo là sống đời sống thánh thiện đi đôi với làm, làm cho người khác yêu mến Thiên Chúa, nghĩa là Phúc Âm hóa.

1. Sống Thánh thiện
Bất cứ linh đạo nào cũng phải là một đường lối giúp người Ki-tô hữu nên thánh hay sống thánh thiện.

 a. Lý do: Chính Chúa Giê-su đã dạy :”Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.” (Mt 5,48). Thánh Phao-lô cũng khuyên các giáo hữu : sống xứng đáng như các vị thánh ( Ep 5,3). Thật vậy, khi chịu Phép Thanh Tẩy, Ki-tô hữu đã nên con cái Thiên Chúa được thông phần vào bản tính của Ngài và trở nên Thánh. Vì thế, mọi Ki-tô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống của mình (Hiến Chế về Hội Thánh)

b. Ý nghĩa:  Nên thánh hay nên trọn lành có ý nghĩa là : Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và yêu mến Thiên Chúa thật thì phải khao khát làm cho Thiên Chúa được mọi người mến yêu.

2. Đi đôi với việc Phúc Âm hóa hay truyền giáo
Phúc Âm hóa là làm cho người khác hiểu và yêu mến Thiên Chúa.

a. Bổn phận: Ki-tô hữu đã được Phúc Âm hóa rồi thì có bổn phận Phúc Âm hóa cho người khác. Đức Gioan-Phaolô II đã nói trong Tông Huấn “Người Ki-tô hữu giáo dân” : “Trong vườn nho Chúa, không một người Ki-tô hữu được phép ăn không ngồi rồi” . Dù là giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân ai cũng phải truyền giáo, vì tự bản tính Hội Thánh là truyền giáo.

b. Khẩn cấp: Việc truyền giáo còn là việc khẩn cấp, vì đây là việc phục vụ hàng đầu mà Hội Thánh có thể dành cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại trong thế giới hôm nay.



IV. BẢN CHẤT CỦA LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN
Cần phải có một linh đạo riêng cho giáo lý viên, phải phát xuất từ ơn gọi và sứ mệnh của họ, ý nghĩa là giáo lý viên phải vâng theo Chúa Thánh Thần để sống thánh thiện và truyền giáo theo cách của một giáo lý viên giáo dân.

1. Sống thánh thiện theo cách của giáo lý viên trần thế
Linh đạo giáo dân liên hệ chặt chẽ với ơn gọi của Ki-tô hữu giáo dân. Ki-tô hữu giáo dân được tham gia vào chức vụ Ngôn sứ (Tiên tri); Tư tế; và Vương giả của Đức Ki-tô, theo tính cách riêng của mình. Tính cách riêng đây chính là “tính cách trần thế”.

a. Ý nghĩa: Giáo lý viên giáo dân ở giữa trần thế là có bổn phận làm cho các “thực tại trần thế” (như đời hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp...) thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và trở nên hoàn hảo và như thế họ làm chứng cho Đức Ki-tô cách đặc biệt trong việc điều hành những thực tại trên và trong việc thi hành những nghĩa vụ trần thế.

b. Thực hành: Giáo lý viên dùng mọi hoạt động giáo lý của mình, soạn bài và giảng dạy giáo lý thật chu đáo, để tỏ lòng yêu mến và giúp học viên yêu mến Chúa.
Khi giáo lý viên kết hôn thì đời sống hôn nhân cũng dự phần linh đạo giáo lý viên, nghĩa là khi giáo lý viên chu toàn những đòi hỏi hôn nhân của Ki-tô giáo để vợ chồng yêu thương chung thủy với nhau và cùng giáo dục con cái theo luật Chúa. Và như thế thì giáo lý viên làm chứng cho giá trị hôn nhân Ki-tô giáo và cũng làm cho vợ chồng con cái góp phần vào hoạt động giáo lý của mình, để gia đình thật sự là một “tụ điểm” trong hoạt động tông đò.

2. Phúc Âm hóa theo cách của giáo lý viên giáo dân
Ở trên đây đã cho biết giáo lý viên giáo dân có vai trò và nhiệm vụ phong phú đa dạng. Đó là những phương thế khác nhau để Phúc Âm hóa hay truyền giáo. Giáo lý viên không được lầm tưởng rằng mình cứ lo giảng dạy giáo lý cho học viên đúng tiêu chuẩn là đủ rồi. Nhưng là giáo lý viên giáo dân nên :

a. Trước hết, chính bản thân:  Giáo lý viên phải quan tâm việc Phúc Âm hóa cho mọi người khác hơn giáo dân vì mình có điều kiện hơn, quan tâm bằng lời cầu nguyện và sẵn sàng trao đổi, đối thoại với  những ai muốn hiểu biết về Ki-tô giáo.

b. Khi giảng dạy giáo lý cho học viên: Giáo lý viên phải tập cho học viên quen cầu nguyện cho việc truyền giáo, và cũng tập cho học viên, nhất là học sinh biết truyền giáo cho bạn bè mình bằng đời sống chăm ngoan, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè vượt khó.

Tóm lại, bản chất linh đạo của giáo lý viên là : sống thánh thiện đi đôi với việc Phúc Âm hóa người khác hay truyền giáo, ngay trong lúc chu toàn vai trò và nhiệm vụ của giáo lý viên giáo dân hằng ngày. Giáo lý viên sống thánh thiện để hoạt động giáo lý của mình được sinh hoa kết quả và giáo lý viên dùng mọi hoạt động giáo lý của mình để nên Thánh. ĐGH Gioan-Phaolô II đã nói : “Người truyền giáo đích thực đó là một vị thánh.”

c. Linh đạo giáo lý viên được biểu hiện như thế nào: Để giúp giáo lý viên dễ sống linh đạo giáo lý viên đúng hơn. Giáo Hội đã tóm tắt trong 4 phong cách tức là cung cách, hay là cách thức sinh hoạt, làm việc và xử sự, tạo nên dáng vẻ riêng của một người. Linh đạo giáo lý viên có thể được biểu hiện trong 4 phong cách sau đây :

- Cởi mở với Lời Chúa, bao gồm ý nghĩa cởi mở với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Hội Thánh và với thế giới.

- Đời sống thống nhất và chân thật.

- Nhiệt tâm truyền giáo.

- Tinh thần của Đức Maria.

KẾT LUẬN: Trong thời đại khoa học kỹ thuật này, muốn thành công trong lĩnh vực vật chất cũng như tinh thần, đều cần phải có đường lối, vừa dựa theo kinh nghiệm, vừa thích hợp với hòan cảnh. Giáo lý viên muốn trở thành một giáo lý viên đúng nghĩa một tông đồ của thời đại hôm nay cần tập sống theo 4 phong cách sẽ trình bày tiếp theo.

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.