CHƯƠNG 3:
BƯỚC THEO CHÚA
Từ ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, trong lòng của An-rê xuất hiện một ước vọng: anh muốn noi gương Thánh An-rê Tông Đồ bổn mạng, ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng anh đã lãnh nhận. Chúa Thánh Thần thực sự đã tác động trong tâm hồn anh. Người đốt lên trong lòng anh ngọn lửa nhiệt thành với Phúc Âm như ngày xưa Người đã đốt lên nơi các Tông Đồ: “Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, anh nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”. Anh chia sẻ tâm tình với mẹ, Bà Gio-an-na không ngờ ước vọng của mình từ ngày mang thai An-rê đến nay lại thành hiện thực. Chúa đã thực hiện nơi bà một ơn trọng nữa! Ơn thứ nhất là An-rê được lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Giờ đây Chúa lại nhậm lời bà bằng cách gieo vào lòng An-rê con bà một hạt giống thiên triệu. Lòng tri ân dâng trào, bà cất lời Magnificatcùng Mẹ Maria tạ ơn Thiên Chúa. Bà định đến gặp Cha Đắc Lộ để trình bày cho ngài ý định của An-rê, nhưng lúc này Cha đã rời vùng Phú Yên, Qui Nhơn để trở lại Quảng Nam. Thời điểm mà Cha Đắc Lộ rời Phú Yên có lẽ vào khoảng hạ tuần tháng 6 năm 1641. Nói đến An-rê mà không đề cập đến Cha Đắc Lộ thật là thiếu sót. Có thể nhận xét rằng, không có Cha Đắc Lộ, Giáo Hội Vn không có một An-rê Phú Yên kiên cường trong Đức Tin vào thời điểm phôi thai của mình.
CHA ĐẮC LỘ
Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ (Alexandre de Rhodes) sinh vào khoảng năm 1593 tại vùng Comtat Venaissin, tỉnh Avignon nước Pháp. Lúc bấy giờ lãnh thổ miền Avignon thuộc Tòa Thánh Rôma nên Cha Đắc Lộ là công dân La Mã hay là công dân của Đức Giáo Hoàng. Tổ tiên của Cha Đắc Lộ là người Do Thái đã trở lại đạo Công Giáo sinh sống tại Tây Ban Nha. Sang đầu thế kỷ XVI, dòng họ Cha Đắc Lộ di chuyển lên sinh sống tại miền Avignon. Thân phụ Cha là một trong những bậc vị trong vùng.
Thuở thiếu thời, Cha Đắc Lộ học tiểu học và trung học tại quê nhà. Năm 1612, Cha được nhận vào Dòng Tên ở Rôma với ước vọng đi truyền giáo ở Viễn Đông. Lúc đó Cha được 19 tuổi. Thầy Đắc Lộ chú tâm học hành, nhất là những môn thần học và toán học. Sau khi thụ phong linh mục năm 1618, Cha được chỉ định sang truyền giáo ở Nhật Bản. Khởi hành từ Lisbonne, thủ đô nước Bồ Đào Nha, ngày 4/4/1619 trên chuyến tàu mang tên Thánh Nữ Têrêsa, Cha hướng về vùng đất truyền giáo miền Viễn Đông.
Sau những chặng đường dài ghé qua Goa (Ấn Độ), Malacca (Malaysia), Cha đến Áo Môn (Macao, Trung Hoa) ngày 29/5/1624. Từ Áo Môn, Cha chuẩn bị sang Nhật Bản. Nhưng lúc ấy tình hình công việc truyền giáo đang gặp nhiều khủng hoảng, chính quyền Nhật Bản cấm đạo gay gắt. Vì lý do đó, Cha Đắc Lộ được phái sang Đàng Trong (Cauchinchine), Việt Nam.
Cuối tháng 12 năm 1624, đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Cha đến Đà Nẵng sau 19 ngày vượt biển. Đồng hành với Cha có sáu giáo sĩ Dòng Tên, trong đó có Cha Gabriel de Mattos và một giáo sĩ người Nhật thông thạo chữ Hán. Vào thời gian sau này Cha Buzomi làm Bề trên phụ trách phái đoàn truyền giáo ở Đàng Trong. Trong đoàn truyền giáo Dòng Tên, đặc biệt có Cha Pina thông thạo tiếng Việt, rao giảng tin mừng không cần thông ngôn.
Trong hoàn cảnh truyền giáo mới, để có thể hội nhập và rao truyền Tin Mừng Đức Kitô, Cha Đắc Lộ bắt đầu học tiếng Việt. Nhờ tư chất thông mình và lòng nhiệt thành với Tin Mừng, Cha học rất mau. Sau bốm tháng, Cha đã giải tội được bằng tiếng Việt và sau sáu tháng nữa, Cha đã có thể giảng dạy bằng ngôn ngữ người bản xứ. Cha ghi lại việc học hành của mình như sau: “Một thiếu niên trong xứ chỉ trong ba tuần lễ đã dạy tôi đủ hết các cung giọng tiếng Việt, và cách đọc của tất cả các tiếng. Cậu ấy không hiểu tiếng tôi và tôi không hiểu tiếng cậu, nhưng cậu thông minh đến nỗi tự nhiên hiểu được hết các đều tôi muốn nói, và thật sự cũng trong ba tuần lễ ấy, cậu đã học đọc được các thư của chúng tôi, lại còn viết được tiếng Pháp, và giúp lễ bằng tiếng La-tinh. Tôi ngạc nhiên thấy một trí khôn mẫn tiệp như vậy và cả trí nhớ vững chắc nữa. Từ đó cậu làm Thầy giảng giúp các Cha, và đã trở nên một lợi khí đắc lực làm sáng danh Thiên Chúa ở Giáo Đoàn này và trong xứ Lào, vì về sau, Thầy sang đó hoạt động mấy năm rất có hiệu quả”
Sau khi thông thạo tiếng Việt, Cha Đắc Lộ cùng với Cha Pina từ Quảng Nam ra Thuận Hóa giảng đạo rồi các ngài trở vào Quảng Nam năm 1626. Cũng năm này, Cha Pina từ trần vì bị đắm tàu tại cửa biển Hội An.
Sang tháng 7 năm 1626, Cha được gọi về Áo Môn (Macao). Nhưng vào năm sau Cha lại được sai đến giảng Tin Mừng cho đàng ngoài (Tokin). Ngày 19/3/1627, Cha đến cửa Bạng (Thanh Hóa), làm Bề trên phái đoàn truyền giáo ở Đàng Ngoài. Cùng ra Đàng Ngoài với Cha có Cha Pierre Marquez. Nhờ thông thạo tiếng Việt, nên việc truyền giáo của Cha có kết quả ngay từ bước đầu. Trong dịp này, Cha Đắc Lộ được tiếp kiến Chúa Trịnh Tráng lúc đó đang có mặt tại Thanh Hóa trong đợt tiến quân vào nam đánh Chúa Nguyễn. Sau đó Cha theo Chúa Trịnh Tráng ra Thăng Long.
Sau gần hai năm hoạt động, các Cha gặp một thử thách lớn. Năm 1629, Chúa Trịnh Tráng cấm đạo và buộc các Tây Dương đạo trưởng phải trở về Áo Môn hoặc vào Đàng Trong. Cha Đắc Lộ bị giải xuống thuyền có 36 người lính áp tải đề đi vào nam. Trong hơn ba tuần lễ lênh đênh trên sóng nước với đoàn lính áp tải này, Cha đã rửa tội được 24 người. Thay vì đưa Cha vào Đàng Trong, những người lình này đã để Cha đổ bộ xuống tại Bố Chánh, Nghệ An là vùng giáp giới giữa lãnh thổ Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh. Cha hoạt động rao giảng Tin Mừng trong vùng Nghệ - Tĩnh này hơn bốn tháng rồi lại trở ra Thăng Long thăm các tín hữu. Đến tháng 5 năm 1630, Chúa Trịnh Tráng buộc Cha phải rời Đàng Ngoài. Đau lòng, Cha gạt nước mắt rời giáo đoàn Đàng Ngoài. Một thương thuyền người Bồ cho Cha đáp tàu về lại Áo Môn.
Tại Áo Môn, Cha dạy học trong mười năm tại học viện Dòng Tên. Đến năm 1640, Cha Buzomi Bề trên phái đoàn truyền giáo Đàng Trong từ trần, Cha Đắc Lộ được cử đến đảm nhận trách nhiệm trưởng phái đoàn truyền giáo thay cho Cha Buzomi vừa quá cố. Cha đến cửa Hội An vào mùa sinh nhật năm 1640. Sau khi thăm các tín hữu ở Quảng Nam và Thuận Hóa, Cha có ý định xuôi thuyền về vùng Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên đến để hỏi thăm những họ đạo mà trước đây Cha Buzomi đã đến. Dịp thuận tiện đã đến. Đó là mùa chay năm 1641, Cha Đắc Lộ lên tàu xuôi về những họ đạo ở phía nam Đàng Trong. Chính trong thời gian này, Cha Đắc Lộ có dịp đến Phú Yên và đã rửa tội cho An-rê vào mùa Phục Sinh năm 1641. Cha ở lại vùng Phú Yên, Qui Nhơn khoảng sáu tháng rồi trở lại Quảng Nam.
Tại Quảng Nam, một viên quan có tên là Ông Nghè Bộ trao cho Cha một chiếu chỉ của Chúa Thượng. Cha bị buộc phải rời Việt Nam theo lệnh trục xuất của Chúa Công Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Trước khi ra đi theo lệnh của Chúa Thượng, Cha gặp các tín hữu, an ủi họ và hứa sẽ trở lại Ngày 2/7/1641 Cha đáp tàu sang Philippin rồi sau đó đổi tàu về Áo Môn. Sống tại Áo Môn khoảng sáu tháng, Cha không thể nào quên những cộng đoàn, họ đạo tại Việt Nam, đặc biệt ở Đàng Trong. Lúc nào Cha cũng nghĩ đến họ như đoàn chiên côi cút không người chăn dẫn. Khoảng tháng giêng năm 1642, nhân một thương thuyền người Bồ từ Áo Môn chở hàng sang Hội An, Cha đáp tàu này sang Việt Nam.
Cuối tháng giêng năm 1642, Cha đến Hội An. Viện lý do tận dụng thời gian khi thuyền buôn ghé đậu vào cảng để trao đổi mua bán hàng hóa, trước hết Cha vào thăm Ông Nghè Bộ là ông quan trước đã trục xuất Cha theo lệnh của Chúa Thượng. Cha mang theo một số vật là từ Phương Tây làm quà cho Ông Nghè Bộ. Có lẽ do hảo ý từ phong cách hiếu khách, xã giao của Cha đã làm cho Ông Nghè Bộ thay đổi rất nhiều. Ông tiếp Cha trong bầu khí thân thiện. Sau đó Cha ra thẳng Thuận Hóa để yết kiến Chúa Thượng, đồng thời dâng tặng Chúa Thượng một số phẩm vật, trong đó có những chiếc đồng hồ trên mặt có in chữ Hán. Ở lại Thuận Hóa một vài ngày, Cha bắt đầu công việc mục tử của mình: đi thăm và ban bí tích cho các tín hữu đồng thời rao giảng Tin mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Vì lệnh trục xuất của Chúa Thượng vẫn còn, nên sau khi chiếc tàu buôn của người Bồ rời Hội An, Cha phải hoạt động kín đáo hơn. Ban ngày Cha ẩn náu trong thuyền, ban tối Cha mới bí mật đi thăm các họ đạo. Chính trong thời gian này, khi trở lại Phú Yên năm 1642, Cha đã nhận An-rê vào đoàn thầy giảng do Cha sáng lập để giúp Cha trong công việc rao truyền Tin Mừng vào thời điểm đầy khó khăn này.
Vào khoảng giữ năm 1643, những thương thuyền người Bồ đến Hội An để mua bán và trao đổi hàng hóa một lần nữa. Thường thì một năm họ chỉ đến một vài lần nhất là vào thời gian có gió mùa thuận lợi. Nghe tin có đoàn thuyền buôn đến, Cha Đắc Lộ trở về Hội An để nhận thư từ và một số vật dụng. Một số người Bồ Đào Nha khuyên Cha nên theo tàu của họ trở về Áo Môn một thời gian để vua quan nhà Nguyễn thấy Cha chấp hành mệnh lệnh, rồi sau đó tìm cách trở lại Đàng Trong, lúc đó chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho công việc tông đồ của Cha. Nhận thấy lời khuyên hợp lý, tháng 9 năm 1643 Cha đáp tàu sang Philippin rồi trở về Áo Môn, sau khi giao công việc truyền giáo cho đoàn thầy giảng gồm mười thầy, trong đó có An-rê Phú yên là người trẻ tuổi nhất.
Đầu tháng 3 năm 1644, Cha Đắc Lộ trở lại Đàng Trong. Đây cũng là lần thứ năm và là lần cuối cùng Cha trở lại Việt Nam sau những đợt đi tạm lánh lệnh truy nã, trục xuất của vua quan nhà Nguyễn ở Đàng Trong cũng như họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Ngày 26/7/1644, Cha Đắc Lộ trở thành nhân chứng trực tiếp khi chứng kiến cuộc tử đạo anh dũng của Thầy giảng An-rê Phú Yên tại dinh Thanh Chiêm thuộc huyện Điện Bàn, gần cửa biển Hội An.
Hai tháng sau cái chết của Thầy giảng An-rê, tức vào khoảng tháng chín năm 1644, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) ra chiếu chỉ tử hình Cha Đắc Lộ nhưng sau đó lại đổi thành lệnh trúc xuất. Ngày 3/7/1645, Cha Đắc Lộ ngậm ngùi từ giả Việt Nam, một cuộc từ giã mà Cha đã viết: “Vĩnh biệt bằng thể xác chứ không phải bằng tâm hồn, vì tâm hồn tôi đã để ở cả xứ Nam cũng như xứ Bắc.” Một số quan chức ở Dinh Chiêm theo Cha lên tận tàu và đọc lệnh trục xuất trước những thương gia cũng như thủy thủ người Bồ: Giáo sĩ Đắc Lộ bị cấm chỉ không bao giờ được trở lại Việt Nam nữa, và chủ tàu nào còn chở đạo trưởng này đến, sẽ bị tử hình.
Cha trở về Áo Môn dạy học tại học viện Dòng Tên, đồng thời cũng dạy tiếng Việt cho hai Cha Metello Saccano và Carlo della Rocca. Ngày 20/12/1645 trong lúc hai Cha này đáp tàu đến Đàng Trong thì Cha Đắc Lộ phải đáp tàu sang Châu Âu để vận động thành lập hàng giáo phẩm ở Việt Nam.
Sau một cuộc hành trình đầy gian khổ kéo dài suốt ba năm sáu tháng, tưởng chừng như đã chết đi sống lại, cuối cùng Cha đã đến được La Mã ngày 27/6/1649. Cha Đắc Lộ dâng hai bản điều trần, một bản cho bộ Truyền Giáo ghi ngày 2/8/1650 và một cho Đức Giáo Hoàng ghi ngày 6/3/1651. Nội dung chính của hai bản điều trần này là xin cử một Giám Mục sang Việt Nam để củng cố một giáo đoàn phía Đông này đang có nhiều triển vọng.
Ngày 11/9/1652, Cha Đắc Lộ rời La Mã đi Paris để vận động cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Tại đây, Cha làm quen với nhóm “Les Bons Amis” (Những người bạn tốt) đầy tình thần truyền giáo, nhất là với Cha Francois Pallu, là người sáng lập Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp (MEF) ở Paris.
Sau những cuộc vận động của Cha, kết quả đã đến. Theo đoản sắc ngày 29/7/1658, Tòa Thánh phong cho Cha Pallu làm Giám Mục hiệu tòa Heliopolis và Cha Lambert de la Motte làm Giám Mục hiệu tòa Béryte, cả hai tân Giám Mục làm đại diện tông tòa ở Việt Nam. Kế tiếp, đoản sắc ghi ngày 9/9/1659 chỉ định địa phận của Đức Cha Pallu gồm Đàng Ngoài, Ai Lao và năm tỉnh ở Trung Hoa; kế tiếp địa phận Đức Cha Lambert de la Motte gồm Đàng Trong, bốn tỉnh Trung Hoa và đảo Hải Nam.
Một điều đặc biệt là chính Cha Đắc Lộ vì khiêm nhường đã từ chối không nhận vinh dự là làm Giám Mục tại Việt Nam theo như ý Tòa Thánh. Vâng lệnh Bề trên, ngày 16/11/1654, Cha rời Pháp để sang truyền giáo tại Ba Tư (Persia). Vào đầu tháng 11 năm 1655 Cha đến Ispahan, thủ đô Ba Tư và làm Bề trên phái đoàn truyền giáo ở đây. Tại vùng tuyền giáo mới mà đa số ngoiwf dân theo Hồi Giáo này, Cha lại bắt đầu cuộc hội nhập mới. Cha học tiếng Ba Tư để dễ hòa nhập vào cộng đồng và đồng thời dùng ngôn ngữ như là công cụ đắc dụng để rao truyền Tin mừng cũng như Cha đã học tiếng Việt khi Cha đến Việt Nam.
Công cuộc truyền giáo tại Ba Tư không có kết quả mong muốn như ở Việt Nam vì phần đông dân chúng đã theo Hồi Giáo. Nhưng niềm vui lớn nhất của Cha khi ở Ba Tư là được tin Đức Giáo Hoàng đã ký đoản sắc bổ nhiệm các Đức Giám Mục tại Việt Nam đồng thời ấn định ranh giới hai địa phận Đàng Trong và Đàng ngoài. Sau năm năm hoạt động truyền giáo ở vùng Ba Tư, ngày 5/11/1660, Cha từ trần tại Ispahan.
Cha Đắc Lộ là người có công lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam. Suốt cuộc đời của ngài đã gắn liền với những cộng đoàn tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Suốt 21 năm xuôi ngược trên khắp miền đất nước để rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, Cha đã hòa nhập vào dòng chảy lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam, cách riêng đối với lịch sử thăng trầm của Giáo Hội trong những ngày tháng phôi phai. Sự dấng thân, gắn bó đó thể hiện nơi lời tự trần của Cha vào ngày Cha bị chính quyền nhà Nguyễn ra lệnh trục xuất khỏi Việt Nam: “Vĩnh biệt bằng thể xác chứ không phải bằng tâm hồn, vì tâm hồn tôi đã để lại ở cả xứ Nam cũng như xứ Bắc.” Hơn nữa, khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam, Cha đã làm hết cách như vận động thánh bộ Đức Tin, vận động Giáo Hoàng cho Giáo Hội Việt Nam có các Đức Giám Mục. Theo Cha, sự hiện diện của các Đấng kế vị Tông Đồ là bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội qua việc ban các bí tích và tấn phong hàng giáo sĩ, nhất là các giáo sĩ bản địa.
Có thể nói rằng, không có Cha Đắc Lộ, giáo hội Việt Nam không có An-rê Phú Yên. Ngài chính là người tái sinh phần hồn cho An-rê. Cũng chính ngài là người đã nhận và đào tạo An-rê trong đoàn Thầy Giảng để rồi chính ngài phải chứng kiến cảnh học trò mình bị tử hình vì niềm tin vào Đức Kitô. Hơn nữa, ngài trở thành chứng nhân trực tiếp cho cuộc tuẫn đạo anh hùng của An-rê. Lời chứng sống động, trực tiếp này nơi các sách ngài viết đã trở thành nguồn sử liệu vô giá về một người con đầu tiên dòng giống Lạc Hồng đã dám đổ máu vì Tình Yêu Chúa Kitô mà chúng ta, thế hệ con cháu, đang hưởng những quả phúc từ công khó của các ngài.
TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG
Nhắc lại An-rê, từ khi được lãnh nhận bí tích rửa tội, trong lòng anh bừng dậy một ngọn lửa dấng thân cho công việc rao giảng Tin Mừng. Anh thổ lộ cùng mẹ, dịp may đã đến. Năm 1642, cha Đắc Lộ trở lại Phú yên lần hai. Đây là niềm vui cho họ đạo Phú Yên vì họ được gặp lại vị chủ chăn sau gần một năm xa cách. Nhưng có ai biết rằng trong họ đạo này, có một chàng trai đang mong chờ Cha từng ngày để thổ lộ những nỗi lòng của mình. Sau khi biết được ý định của An-rê muốn theo Cha để phụ giúp vào công việc rao giảng Tin mừng, Cha Đắc Lộ nhìn anh trìu mến và nói rằng anh còn quá trẻ càn phải học tập nhiều hơn nữa mới có thể theo Cha được. Đó là một cách khích lệ cậu. Cha biết mình đang ở trong một thời điểm đầy khó khăn do các vua quan nhà Nguyễn gây ra. Nếu mang theo chàng trai trẻ này, Cha sợ sẽ gặp nhiều hệ lụy cho cậu.
Nhưng Cha không ngờ mình gặp mọt tâm hồn đang nóng bỏng với ơn gọi theo Thầy Giêsu. An-rê nài nỉ Cha hết lòng. Cậu sẵng sàng đón nhận tất cả, cho dù có phải dâng hiến cả mạng sống vì Chúa cậu cũng vui lòng.. Cha khuyên cậu cân nhắc và cầu nguyện nhiều hơn nữa trước quyết định của cậu. Một mình không thuyết phục được Cha Đắc Lộ, An-rê nhờ đến mẹ mình là bà Gio-an-na đến gặp Cha. Chưa yên tâm, An-rê đến gặp bà Maria Mađalêna là người đỡ đầu anh và cũng là người có uy tín trước Cha Đắc Lộ. Sau những cuộc trao đổi giữa Cha Đắc Lộ với bà Maria Mađalêna và bà Gio-an-na, đồng thời cũng với những lời cầu nguyện của chính Cha, cuối cùng Cha quyết định chọn chàng trai An-rê vùng Phú Yên đi theo Cha. Ai có thể diễn tả được niềm vui của An-rê như thế nào được bằng chính bà mẹ của anh. Niềm vui của anh cũng là niềm vui của mẹ vì ước vọng cho hạt mầm ơn thiên triệu mà mẹ anh đã xin Chúa gieo vào trong lòn anh giờ đây đang mọc lên chồi non đầy hứa hẹn. Giữa tuổi đời xuân xanh, An-rê từ giả gia đình, xứ đạo, bè bạn xóm giềng lên đường theo tiếng gọi Tình Yêu.
TỔ CHỨC THẦY GIẢNG VIỆT NAM
Trong lịch sử truyền giáo Việt Nam, Hội hay Tổ chức Thầy Giảng là một điểm để qui chiếu nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là hàng Giáo sĩ Việt Nam. Công cuộc truyền giáo ở Việt Nam trước khi các Cha Dòng Tên đến không mang lại hiểu quả. Các nhà truyền giáo nước ngoài đến Việt Nam không thông thạo tiếng bản xứ thường phải nhờ thông ngôn. Sự chuyển đạt của thông ngôn thường gặp ít nhiều khó khăn trong cách thức tiếp biến văn hóa, truyền thống tư tưởng Đông Tây.Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự chuyển đạt Tin Mừng cho người bản xứ. Khi các nhà truyền giáo theo các đoàn thuyền buôn ra đi thì công việc truyền giáo của các ngài cũng dừng lại vì không có người tiếp nối.
Rút kinh nghiệm vào việc truyền giáo ở Nhật vào khoảng cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI, các Cha Dòng Tên bắt dầu chú ý đến vai trò người bản xứ trong việc rao giảng Tin Mừng. Một tấm Bánh Phúc Âm khi được Đức Kitô bẻ ra truyền cho các môn đệ Người trao ban cho nhân loại, không có miếng mẫu nào giống miếng mẫu nào nhưng đó vẫn là một tấm bánh. Khi đối diện với Tin Mừng, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa có những cách thứ tiếp biến văn hóa có những cách tiếp biến khác nhau. Sự tiếp biến này dẫn đến hiện tượng hội nhập, dung hợp hay dị ứng, đào thải. Các vị thừa sai Dòng Tên nghĩ rằng, hơn ai hết, người bản xứ là người biết rõ chính họ là ai trong không gian văn hóa, trong nhận thức về nhân sinh và vũ trụ của dân tộc họ, những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của họ để có thể thích ứng với việc tiếp biến Tin Mừng.
Tổ chức Thầy Giảng bắt đầu manh nha từ thời Cha Buzomi, vị Tông Đồ nhiệt thành xứ Đàng Trong vào những ngày đầu sơ khai Giáo Hội Việt Nam. Từ khi đặt chân lên Việt Nam tại cửa Hội An ngày 18/1/1615, Cha bắt đầu chú ý đến những giáo hữu bản xứ nhiệt thành, đạo đức. Cha đã dùng họ để phụ giúp Cha và các Cha khác trong công việc truyền giáo. Những người này được gọi là “Thầy Giảng”. Họ không có lời khấn hứa, tuyên thệ; cũng không thành tổ chức đoàn thể. Trong khoảng thời gian truyền giáo ở Đàng Ngoài từ năm 1627-1630, Cha Đắc Lộ có một hướng mới cho tổ chức Thầy Giảng này. Cha quy tụ một số tín hữu đạo đức, nhiệt thành lập ra Hội Thầy Giảng. Trong số những thầy giảng đầu tiên có một số nhà sư mới chịu phép Thanh Tẩy, đó là thầy Antôn, Thầy Phanxicô. Có thể xem đây là tầm nhìn của Cha Đắc Lộ trong việc rao truyền Tin Mừng cho người bản xứ. Tổ chức Thầy Giảng này được Cha cho làm lễ tuyên thệ vào tháng 5 năm 1630, trước khi Cha bị Chúa Trịnh Tráng trục xuất vĩnh viễn khỏi xứ Đàng Ngoài. Trong Thánh Lễ trọng thể, ba Thầy Giảng đầu tiên, đó là thầy Phanxicô, thầy Andrê, thầy Ignatio tuyên thệ trước Cha Đắc Lộ và cộng đoàn giáo dân ba lời khấn:
1. Không lập gia đình cho đến khi có các thừa sai khác đến thay thế.
2. Để làm của chung tất cả những tiền của giáo dân dâng cúng trợ cấp cho các Thầy trong việc Tông Đồ.
3. Vâng lời bề trên do các Cha cắt đặt.
Buổi lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm cảm động. Nhiều người rơi nước mắt. Trong ba thầy này, thầy Phanxicô được đặt làm Thầy Bề Trên. Các Thầy được giáo hữu kính trọng, mến phục. Đây là tổ chức Thầy Giảng đầu tiên của Cha Đắc Lộ tại Đàng Ngoài. Ngày lên đường rời khỏi xứ Đàng Ngoài theo lệnh Chúa Trịnh Tráng, Cha Đắc Lộ gạt nước mắt để lại đoàn chiên gần năm ngàn tín hữu mà Cha đã vất vả thu góp về trong vòng ba năm từ 1627-1630 cho các Thầy Giảng trông coi thế Cha. Trên một thương thuyền người Bồ, Cha trở về Áo Môn mà không biết ngày trở lại. Từ đó, các ngài hăng say, nhiệt tình trong công tác rao giảng, dạy dỗ Tin Mừng và củng cố đức tin anh em mình.
Rời Đàng Ngoài vào cuối tháng 5 năm 1630, Cha Đắc Lộ trở lại Áo Môn và dạy học tại đây. Năm 1639, Cha Buzomi, Bề Treenphais đoàn truyền giáo Đàng Trong mất. Sau đó, Cha Đắc Lộ được cử đến thay thế cha Buzomi điều hành việc truyền giáo tại vùng Đàng Trong, tức là phần lãnh thổ của Chúa Nguyễn.
Vào khoảng tháng 12 năm 1640, Cha Đắc Lộ đến Đàng trong qua cửa biển Hội An. Điều mà Cha quan tâm nhất khi trở lại truyền giáo tại Việt Nam là việc thành lập tổ chức Thầy Giảng như Cha đã thành lập ở Đàng Ngoài cách đây mười năm. Chín người được chọn để thành hình một tổ chức Thầy Giảng ở Đàng Trong. Trụ sở hoạt động chính của các Thầy Giảng tập trung ở Hội An và Đà Nẵng. Cha Đắc Lộ vừa là Cha Giám Đốcvừa là Cha linh hướng vừa kiêm luôn Cha giáo chính. Tổ chức này không cố định mà luôn di động từ vùng này sang vùng khác vì thời cuộc không cho Phép. Đó là một hình thức đào luyện thích nghi để có thể tồn tại trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, tế nhị. Mục đích của việc đào luyện là làm sao cho các Thầy đảm nhận được trách vụ truyền đạt, rao giảng Tin Mừng cho đồng bào của mình.
Xuất thân là một đồ đệ của thánh Ignatio, Thánh tổ Dòng Tên, Cha Đắc Lộ có đủ năng lực để làm cho tổ chức Thầy Giảng tồn tại và phát triển cả về mặt trí thức nhân bản, kiến thức giáo lý, văn hóa lẫn lòng đạo đức. Phụ giúp với Cha Đắc Lộ trong công việc đào luyện Thầy Giảng, Chúa Quan Phòng đã gởi đến Cha một trí thức Việt Nam thực sự đã lãnh phép rửa tội, đó là Thầy Ignatio (Y-xa-nhô). Trước khi trở thành con cái Chúa bằng dấu ấn bí tích rửa tội, Y-xa-nhô là một con người cương trực liêm chính, xuất thân từ cửa Khổng sân trình. Ông sinh năm 1609, tại làng Liêm Công, gần cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Là người có kiến thức rộng, thông thạo kinh sử, ông được bổ làm một chức quan trong Dinh Tổng trấn Nguyễn Phú Khuê. Ông đã lập gia đình nhưng vợ mất sớm. Năm 1641, ông được một người dân giới thiệu với Cha Đắc Lộ. Sau những lần trao đổi với Cha Đắc Lộ, ông quyết định lãnh phép thánh tẩy trở thành con Thiên Chúa tại Quảng Nam. Đó là năm 1641, cùng năm lãnh nhận phép thánh tẩy với An-rê Phú Yên. Tuy được tái sinh phần hồn vào tuổi ngoài ba mươi, nhưng ông đã trở thành một nhân vật nồng cốt trong tổ chức Thầy Giảng của Cha Đắc Lộ. Cha Đắc Lộ đặt tên ông là Y-xa-nhô vì nhận thấy ông là người có những hiểu biết sâu rộng, thông thái lãnh hội những chân lý từ kho tàng Tin Mừng rất nhanh, xứng đáng là môn đệ của Thánh tổ Dòng Tên. Sự kỳ vọng của Cha Đắc Lộ trở thành hiện thực. Sau khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, Y-xa-nhô xin từ chức quan, bỏ hết mọi sự mình có để theo lời mời gọi của Cha Đắc Lộ gia nhập đoàn Thầy Giảng. Trước mặt người đời thời đó, ông là một tên điên; nhưng trước mặt Thiên Chúa ông đã tìm được cho mình viên ngọc vô giá, đó là Đức Giêsu. Khi gia nhập đoàn thầy giảng, Y-xa-nhô trở thành cánh chim đầu đàn về mọi phương diện kiến thức, giáo lý, nhân đức, và nhất là việc rao giảng Tin Mừng cho đồng bào của mình. Chúa quan phòng đã dự liệu cho ông những nền tảng cần thết để giờ đây ông trở thành tông đồ đắc lực trong việc làm chứng tá cho Đức Giêsu. Cha Đắc Lộ đặt ông làm Bề Trên đoàn Thầy Giảng. Tự thâm tâm mình, ông không muốn vì nhân đức khiêm hạ; nhưng vâng lời ông đã từ bỏ ý riêng để lãnh lấy trách vụ ấy. Theo Cha Đắc Lộ “Y-xa-nhô lớn tuổi hơn, có nhiều khả năng hơn hết và nhất là cũng rất nhân đức như các Thầy khác...Thầy là người có một địa vị lớn, trước đã làm quan, có kiến thức rộng nhờ tinh thông Hán học, và đặc biệt nơi thầy có những nhân đức thật cao cả. Thầy chính là một vị Thánh. Nói thật ra, chưa bao giờ tôi cảm thấy phấn khởi, hạnh ngộ vì đã gặp một con người như thế”
Năm 1642, khi trở lại họ đạo Phú Yên, Cha Đắc Lộ nhận An-rê vào đoàn Thầy Giảng. Thế là đoàn Thầy Giảng được nâng lên con số mười thành viên, trong đó An-rê là người trẻ nhất. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục xem chàng trai trẻ vùng Phú Yên này được trưởng thành như thế nào dưới máu trường Thầy Giảng, tiền thân của Nhà Đức Chúa Trời, của các Chủng Viện đào luyện hàng giáo sĩ Việt Nam sau này.