CHƯƠNG HAI
CON LÀ AN-RÊ
HỌ ĐẠO PHÚ YÊN

Năm 1624, Cha Phanxicô Buzomi là vị thừa sai đầu tiên đặt chân đến vùng đất Phú Yên. Nghĩa là gần mười năm, từ ngày đặt chân lên cửa Hội An (18-1-1615) đến nay Cha mới có dịp để đến thăm nơi này. Lúc bấy giờ Phú Yên đã có một họ giáo tuy rất nhỏ nhưng rất sốt sắng nhiệt tình với Đức Tin. Có thể phần đông họ là những giáo hữu tại Quảng Nam, Qui Nhơn theo trào lưu di dân vào đây khai phá, lập nghiệp, hoặc theo cơ quân vào trấn giữ vùng cực nam của đất nước.

Trong số đó có bà Maria Mađalêna, vợ Quan Trấn Thủ Nguyễn Phúc Vinh. Bà Maria Mađalêna, còn gọi là Ngọc Liên Công Chúa, con đầu lòng Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) là người kế vị Tiên Vương Nguyễn Hoàng. Bà là chị của Hoàng Tử Nguyễn Phúc Kỳ. Nếu Hoàng Tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu hàng con trai thì bà Ngọc Liên đứng đầu hàng con gái. Bà sinh khoảng năm 1596. Đến tuổi lập gia đình, bà kết bạn với ông Nguyễn Phúc Vinh. Trước khi theo chồng về vùng Phú Yên, Bà ở tại phủ Chúa Nguyễn và thỉnh thoảng vào Quảng Nam và thăm em là Thế Tử Nguyễn Phúc Kỳ đang giữ chức Quan Trấn Thủ tại Quảng Nam. Tại đây bà có cơ hội tiếp xúc với các Cha Thừa Sai Dòng Tên. Lúc bấy giờ, Hội An là cửa ngõ và trung tâm thương mại giao dịch với người nước ngoài. Nhà Nguyễn cần mở rộng quan hệ với các thương nhân ngoại quốc, đặc biệt với phương Tây để có thêm nguồn hàng hóa, nhất là khí giới nhờ đó có thể đối phó với nhà Trịnh phía Bắc. Tại đây, năm 1615, khi Cha Francisco Buzomi theo đoàn tàu buôn người Bồ cập bến Hội An, Thế Tử Nguyễn Phúc Kỳ tiếp đón Cha rất long trọng. Có lẽ công chúa Ngọc Liên đã có cơ hội nghe biết về Đức Kitô qua những lần gặp gỡ Cha Buzomi và các Cha Dòng Tên khác vào dịp này. Năm 1629, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cử Phó Tướng Nguyễn Phúc Vinh vào trấn giữ vùng Phú yên. Bà Maria Mađalêna, tức Ngọc Liên công chúa, theo chồng vào đây.

Nhờ biết được Đức Giêsu qua các Cha và nhờ ơn Chúa cùng với lòng khao khát chân thành đối với Đấng là nguồn Chân Thiện Mỹ, năm 1636 bà đã lãnh bí tích rửa tội. Với vị thế của mình, bà Maria Mađalêna có ảnh hưởng rất lớn đối với những giáo dân đầu tiên tại đây. Bà lập một nhà nguyện ngay trong Dinh Quan Trấn thủ. Các tín hữu có thể đến đây để đọc kinh, học hỏi Giáo Lý. Bà cũng cho dựng một nhà thương chăm sóc các bệnh nhân, người già lão, tàn tật với mục đích cứu giúp các linh hồn và sống chứng nhân Tin Mừng giữa lòng quê hương. Chính Bà là người sau này đã chuẩn bị những buổi học giáo lý và tổ chức lễ rửa tội cho 90 người vào năm 1641, trong đó có An-rê.

Nếu như Chúa dùng bà Maria Madelêna như người mẹ để lo cho con cái Người ở vùng cực nam đất nước có một nền móng đức tin vững vàng nhờ vị thế của bà, thì trong âm thầm, Người cũng chuẩn bị một người mẹ khác để đem cho quê hương một Hạt Giống Tình Yêu sống động. Đó là bà Gio-an-na. Song thân của bà Gio-an-na là một trong những giáo hữu đầu tiên lãnh nhận phép rửa tội bởi các Cha Dòng Tên. Có lẽ đó là khoảng thời gian khi các ngài đặt chân lên vùng đất Quảng Nam qua cửa biển Hội An năm 1615. Theo thời cuộc, cha mẹ của Gio-an-na cùng một số thân quyến di chuyển xuống vùng Phú Yên để lập nghiệp. Tại đây, Gio-an-na là mootrj trong những thiếu nữ đạo đức của họ đạo Phú Yên. Người ta thường thấy Gio-an-na có mặt tại ngôi nhà nguyện do bà Maria Mađalêna dựng lên trong Dinh Quan Trấn thủ. Chắc chắn Gio-an-na giúp ích cho bà Maria Mađalêna rất nhiều trong công việc tông đồ, bác ái, truyền giáo, ngoài những việc ruộng đồng phụ giúp cha mẹ. Chính môi trường này đã hun đúc nơi Gio-an-na một tâm hồn ddaioj đức, một tấm lòng nhân ái Kitô giáo, tô điểm thêm cho nét đẹp công dung ngôn hạnh vốn có của người phụ nữ VN. Chính vì thế mà sau này, Cha Đắc Lộ đã gọi bà là một giáo hữu rất nhân đức của họ đạo Phú Yên.

MỘT NGƯỜI MẸ

Bà Gio-an-na lập gia đình trước khi Cha Francisco Buzomi đến thăm họ đạo Phú Yên, tức là trước năm 1624. Người ta không nói gì về chồng bà trong bối cảnh thời đó. Một bối cảnh mà ai cũng cố sức ổn định cuộc sống sau những lần di cư lập nghiệp, nhất là tại miền cực nam đất nước này. Khi nghe Cha Buzomi đến thăm vùng Phú Yên, Gio-an-na cùng chồng bà và các con đến gặp vị chủ chăn để xin chuẩn nhận cho cuộc hôn nhân theo nghi thức hôn nhân công giáo đòi hỏi. Có lẽ trong dịp này cha Francisco Buzomi đã ban bí tích hôn nhân cho một số gia đình đồng thời ngài cũng rửa tội cho một số dự tòng và các trẻ nhỏ. Một năm sau, năm 1625, bà Gio-an-na sinh hạ thêm một bé trai. Đây là đứa con út của bà. Bà cảm thấy hạnh phcus khi nhìn đứa trẻ say sưa yên giấc trong vòng tay của mình. Như những người phụ nữ đạo đức thánh thiện, phải chăng bà đã thầm mong cho đứa con mình đã cưu mang sinh hạ được nên giống Thầy Giêsu Chí Thánh? Đúng thế! Bà cảm tạ Chúa đã ban cho bà một đứa con xinh xắn như lòng bà mong ước. Thật ra, trong cõi lòng bà, từ ngày cưu mang đứa bé, bà đã có nguyện vọng dâng hiến nó cho Thiên Chúa. Bà muốn trở thành người phục vụ cho Tin Mừng. Bà đã ru đứa bé trong lòng bằng những lời Magnificatcủa Mẹ Maria, bằng những lời Avê Mariatrong đời sống thường ngày. Bà muốn tin con bà cùng đập một nhịp với tim bà trong lời kinh ca tụng, ta ơn, đền tạ Thiên Chúa. Cung lòng bà Gio-an-na thật là mảnh đất hứa hẹn một mùa gặt bội thu! Chính cung lòng bà là ngôi trường trước tiên đã hun đúc nên một tâm hồn thánh thiện, cống hiến cho vinh quang Nước Trời và Quê Hương mai sau.

Đứa trẻ lớn lên trong hạnh phúc và chăm sóc của người mẹ. Nếu cung lòng bà là ngôi trường trước tiên đã mang lại cho đứa bé một của thụ đạo đức, thì mái nhà nơi đây, bà trở thành người thầy đầu tiên dạy cho đứa bé biết đọc bập bẹ được tên Giêsu, Maria... trong vòng tay của bà. Có lẽ lời ru theo tiết điệu ca dao, dân ca được sửa thành những bài ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa của bà là những bài giáo lý khai tâm cho cậu bé khi còn trên vành nôi. Rồi đứa bứ được học những câu kinh, lời ca, những bài giáo lý đơn sơ với mẹ mình khi theo mẹ ra đồng ruộng, hoặc trên đường đến nhà nguyện của họ đạo.

Bà thật là một người Mẹ Côn Giáo VN điển hình. Lâm cảnh góa bụa rất sớm, một mình bà phải đảm đang tất cả mọi việc trong gia đình. Từ việc mưu sinh cho gia đình đến hết việc hạy dỗ con cái về mọi mặt. Tuy thế, mối bận tâm lớn nhất của bà là làm sao lo cho các con mình có một lòng đạo đức, nhất là cậu con út này. Nhờ sự quan tâm và dạy dỗ hết lòng của mẹ, càng ngày cậu bé càng thông minh và đức hạnh. Các giáo hữu trong họ đạo Phú Yên cảm thấy vui khi họ đạo của mình có một cậu bé như thế, nhất là bà Mađalêna, vợ Quan Trấn Thủ. Ngoài những bài học giáo lý với mẹ, cậu cũng được nghe những lời giảng dạy của bà Mađalêna tại ngôi nhà nguyện của họ đạo. Chính trong bối cảnh này, tại họ đạo và nhất là người mẹ trong gia đình, đã hình thành nơi cậu một hướng đi cho đời mình. Nhưng có một điều mà lòng bà Gio-an-na lúc nào cũng băn khoăn: cậu con út chưa được rửa tội. Bà cầu mong Chúa ban cho con bà được lãnh bí tích rửa tội bởi tay vị Linh Mục càng sớm càng hay. Niềm khát mong của bà Gio-an-na đã được Chúa nhậm lời.

TÁI SINH PHẦN HỒN: CON LÀ AN-RÊ

Năm 1641, cậu con út của bà Gio-an-na được 16 tuổi, thì một sự kiện đáng nhớ xẩy đến cho họ đạo Phú Yên: có Linh Mục đến thăm, đó là Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Dù đặt chân đến VN tại của Hội An từ năm 1624, nhưng nay Cha mới đến thăm những xứ đạo ở tận cùng Đàng Trong này. Rời Đà Nẵng tại cửa Hội An vào dịp mùa chay năm 1641, cha Đắc lộ hướng tàu về vùng Quảng Ngãi, Qui Nhơn, lần lượt đến thăm các giáo hữu trong vùng và ban các bí tích cho họ. Đến ngày 29/3/1641 là ngày thứ sáu Tuần Thánh, Cha xuống tàu đi Phú Yên. Mục đích của chuyến đi là làm sao cho kịp để cử hành nghi thức Vọng Phục Sinh tại nhà nguyện họ đạo Phú Yên và mở tuần Đại Phúc ở đây. Một cơn bão dữ dội xảy ra làm Cha nghĩ khó có thể đến đó được như ý nguyện. Nhưng sáng Chúa Nhật Phục Sinh ngày 31/3/1641 trời trở nên lặng gió. Cha dâng lễ trên tàu cho mọi người tham dự để mừng Chúa Phục Sinh, đồng thời cám ơn Chúa đã gìn giữ đoàn tàu bình yên sau cơn bão. Sau đó tàu giương buồm định hướng cửa bể Bà Đài (vụng Xuân Đài ngày nay) để đến Phú Yên.

Được tin quan coi cửa biển báo trước, Quan Trấn Thủ dinh Trấn Biên Nguyễn Phúc Vinh sai tùy tùng ra đón cha Đắc Lộ vào dinh. Quan Trấn thủ có biết Cha Đắc Lộ qua vợ mình là bà Maria Mađalêna. Mặc dù chưa lãnh phép rửa tội như vợ mình, Quan Trấn Thủ có một tấm thịnh tình đối với các Cha, Trước khi vào nhậm chức Quan Trấn Thủ Dinh Trấn Biên năm 1629, một phẩm tước chỉ dành cho những người trong dòng họ Chúa Nguyễn, ông có nghe về sự việc các Cha đạo trưởng nước ngoài đến giảng đạo tại xứ Đàng Trong này, nhất là vùng Nước Mặn (Qui Nhơn).

Vào khoảng năm 1621, khi các Cha Buzomi, Cha Pina Dòng Tên đến giảng đạo tại Qui Nhơn. Số người tin vào Thiên Chúa và lãnh phép rửa mỗi ngày một đáng kể. Điều này đã làm cho mọt nhà sư nổi tiếng ở đó lấy làm khó chịu. Người ta gọi nhà sư này là Thầy Tư Bình. Có đến 200 đệ tử dưới quyền thầy. Thấy ảnh hưởng cuả mình đối với dân chúng ngày càng giảm mất, trong khi đó thể giá của các đạo trưởng phương Tây mỗi ngày càng được dân chúng biết đến, Thầy quyết định phải làm một cái gì đó để hạ bệ đối thủ. Theo kế hoạch, Thầy Tư Bình cho người mang thư đến cho Cha Buzomi và hẹn một ngày cùng nhau tranh luận vấn đề đạo giáo trước mặt các quan quân và dân chúng.

Ngày giờ cho cuộc tranh luận đã đến. Dân chúng tụ họp tại nơi đã ấn định rất đông, ác quan chức, kỳ hào, hương trưởng, sư sãi, đặc biệt những tín đồ của Thầy Tư Bình. Có lẽ đối với họ đây là một sự kiện quan trọng hiếm khi xảy ra. Thầy Tư Bình xuất hiện trong sự long trọng, uy nghi: đi đầu là đoàn kèn trống trổi nhạc tưng bừng, rầm rộ; kế đến là 200 đệ tử áo mũ chỉnh tề đi rước; sau cùng là Thầy Tư Bình ngự trong cáng có lọng che phất phới. Cha Buzomi cũng xuất hiện sau đó. Thật trái ngược với Thầy Tư Bình, Cha cùng với bạn là Cha Pina khiêm tốn trong bộ áo chùng, lặng lẽ rẽ đám đông tiến vào nơi diễn đàn. Mọi người yên lặng chờ đợi. Cuộc tranh luận bắt đầu sau hồi chiên trống ngân vang.

Thầy Tư Bình vốn là một nhà sư nổi tiếng thuyết pháp và hùng biện có ngờ đâu lại gặp một người ngoại quốc không phải là người bản quốc, tinh thông tất cả những kiến thức Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo và cả truyền thống, đạo lý thờ kính ông bà của người bản xứ. Thầy đành chấp nhận thua cuộc. Còn Cha Buzomi và Cha Pina trở về trong tâm tình hân hoan cảm tạ. Chúa Thánh Linh vì chính Người đã dùng miệng lưỡi các ngài mà làm  cho danh Thiên Chúa được tỏa sáng. Sau biến cố đó, lòng tin của các tín hữu được cũng cố thêm, đồng thời số người trở lại đạo mỗi ngày một thêm...

Nói về Cha Đắc Lộ, khi đoàn tùy tùng rước Cha Đắc Lộ về đến dinh thì đã thấy Quan Tổng Trấn đứng trước cổng dinh nghênh đón. Cuộc đón tiếp diễn ra trong bầu khí thân thiện. Quan Trấn Thủ tỏ ra tử tế và thiện cảm. Với hảo ý muốn dành cho các nhà tu hành một nơi riêng biệt phù hợp với đời sống của các ngài. Quan Trấn Thủ dành cho các Cha một ngôi nhà xứng đáng và tiện việc tiếp xúc, gặp gỡ các bổn đạo. Cha Đắc Lộ bắt đầu ngay công việc của mình.

Ngôi nhà của Cha trở thành chỗ tự họp các tín hữu trong cánh đồng Tuy An, Phú Yên. Cha gặp gỡ bà Mađalêna để hỏi thăm về tình hình giáo hữu. Cha rất vui lòng vì sự nhiệt tình sốt sắng của bà cũng như các tín hữu. Bà Mađalêna cho Cha biết có một nhóm tín hữu dự tòng khoảng 90 người do bà giúp đã lâu đang ao ước lãnh nhận bí tích rữa tội. Theo kế hoạch, Cha mở Tuần Đại Phúc vào ngay Tuần Bát Nhật Phục Sinh năm 1641 để cho các tín hữu mừng Mầu Nhiệm Phục Sinh đồng thời dọn tâm hồn cho 90 tín hữu dự tòng lãnh nhận phép rửa tội. Trong nhóm tín hữu dự tòng này, có một chàng trai vừa chớm tuổi thanh niên. Anh ta là con của bà Gio-an-na. Nhờ sự nhắc nhở, quan tâm và cầu nguyện của bà Mađalêna, đặc biệt của mẹ mình, anh ta sốt sắng tham gia tuần đại phúc để xứng đáng lãnh nhận ơn trọng đại sắp tới.

Tuần Bát Nhật bắt đầu với bài Đạo Thánh Đức Chúa Trời trong ngày thứ nhất. Cha Đắc Lộ giảng về đời này và đời sau, Trời và Đức Chúa Trời, Ba Đấng Bề Trên, Ba Đấng thưởng phạt... Chàng thanh niên trẻ say xưa nghe những lời giảng dạy của Cha. Những lời mà mẹ anh đã dạy cho anh hằng ngày, ngay từ tấm bé nhưng nay sao có một sức hấp dẫn lạ thường. Anh cảm thấy lòng mình dâng lên niềm hạnh phúc khó tả. Đến ngày thứ hai, Cha Đắc Lộ Giảng về Đức Chúa Trời là cội rễ mọi sự, là Đấng phép tắt vô cùng, lòng lành vô cùng, công bằng vô cùng, hằng sống vô cùng. Càng nghe anh càng thấy lòng trí bé nhỏ của mình mở ra trước một Đấng Tối Cao, Quyền Năng và đầy lòng thương xót đối với toàn thể nhân loại, trong đó có anh, có dân tộc anh. Những buổi giáo huấn được tiếp tục theo cuốn bổn Phép Giảng Tám Ngày mà Cha đã soạn. Những buổi giảng dạy của Cha được các tín hữu tham dự sốt sắng, đông đảo.

Ngày trọng đại đã đến, ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Theo cách diễn đạt của Cha Đắc Lộ, việc rửa tội này diễn ra vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1641. Thật sự, không còn dịp nào tốt hơn dịp này để vị Chủ Chăn ban bí tích rửa tội, tái sinh 90 linh hồn trở thành con cái của Thiên Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Nhìn đoàn người trong tà áo trắng quì chắp tay hướng về vị Chủ Chăn đang giang tay cầu nguyện xin ơn Thánh Thần trong khuôn viên nhà nguyện của bà Mađalêna, ta liên tưởng đến nhóm các Tông Đồ trong bữa tiệc ly xưa trong dịp lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần đã đến và biến đổi các tông đồ. Nhờ đó, các ngài trở thành cộng đoàn cơ bản bung ra xây dựng nước trời. Hôm nay trong dịp lễ Hiện Xuống, 90 linh hồn được tái sinh nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần làm thành một cộng đoàn cơ bản tại vùng phía nam đất nước là dinh Trấn Biên này. Noi gương các thánh Tông Đồ xưa, họ sẽ trở thành chứng nhân cho Thầy Giêsu Chí Thánh giữa lòng quê hương dân tộc. Đoàn người tiến lên để nhận lãnh phép rửa. Bà Gio-an-na dẫn con mình đến trước Cha Đắc Lộ đọc lớn tiếng: An-rê, ego te baptizo in nomine Patris et Fillii, et Spiritus (An-rê, Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần).

Vâng, từ nay chàng trai trẻ sẽ được gọi là An-rê của vùng Phú Yên. Mọi người kỳ vọng nơi anh.. Rồi đây anh sẽ giống như Tông Đồ An-rê xưa sống chứng nhân Tin Mừng nhiệt tâm giữ quê nhà theo tinh thần vị Thánh bổn mạng. Bà Mađalêna đến chúc mừng anh. Đứng bên cạnh mẹ, An-rê bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với bà Mađalêna bằng những lời cảm động chân tình. Chính bà là ân nhân và là người đỡ đầu cho tất cả moi tín hữu được lãnh phép rửa hôm nay. Thật sự, sau bao tháng ngày học hỏi chuẩn bị, đây mới là ngày hạnh phúc của tất cả mọi người. Ngay cả Cha Đắc Lộ cũng bày tỏ niềm hạnh phúc mà ngài cảm nhận được trong bối cảnh một cộng đoàn sơ khai được hình thành trên bước đường rao giảng Tin Mừng của ngài. Cha cho biết: “Khi tôi ngồi tòa thì cá kẻ giảng làm phận sự dạy kẻ tân tòng. Tôi cũng tìm thời gian để giảng mỗi ngày hai lần. Lương dân kéo đến lũ lượt và Thiên Chúa phán trong lòng họ. Số người chịu phép rửa tội nhiều khi quá đông, không làm trong nhà thờ được, mặc dầu nhà thờ khá rộng lớn, đành phải dạy dỗ rửa tội cho họ ở sân trước cửa nhà thờ. Thế mà trong công việc này, tôi không cảm thấy mệt mỏi, không ngã bệnh. Tôi vui sướng đến nỗi không biết tôi còn ở dưới đất hay là đã lên trời”


Riêng An-rê trở về trong niềm hạnh phúc chan hòa. Niềm hạnh phúc được nhân đôi lên vì ước nguyện của bà Gio-an-na giờ đây đã thành hiện thực. An-rê con bà nay là con cái Thiên Chúa, là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần. Hai mẹ con đồng tâm hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa. Cuộc đời của An-rê từ đây thực sự bắt đầu một chặng đường mới.


Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.