1.  Các sách Tin Mừng là gì?
Các sách Tin Mừng là những sách ghi lại Tin Mừng trọng đại cho muôn dân: Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ ( x. Lc 2, 10 – 11 ).

2. Tin Mừng trọng đại ấy đã được loan báo như thế nào?
Chính Đức Giê-su đã truyền lệnh cho các Tông Đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" và "Các ông ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" ( Mc 16, 15 . 20 ).


3. Lời rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ tác động trên các tín hữu đầu tiên như thế nào?
Các tín hữu đầu tiên đã đón nhận lời rao giảng của các Tông Đồ tại Giê-ru-sa-lem. Chính lời rao giảng ấy quy tụ họ thành cộng đoàn Hội Thánh, giúp họ hiệp thông với Chúa và với nhau ( x. Cv 2, 42 ), thúc đẩy họ ra đi loan báo Tin Mừng cho cả các miền xa ngoài biên giới Pa-lét-tin. ( x. Cv 8, 4 ).

4. Tại sao có các sách Tin Mừng?
Vì các chứng nhân thuộc thế hệ đầu tiên cứ dần dần khuất đi, nhiều người trong Hội Thánh sơ khai nhận thấy phải giữ lại những truyền khẩu. Một số truyền khẩu được ghi thành tài liệu. Trước khi viết, các tác giả đã thu gom, chọn lọc và cẩn thận sắp xếp các truyền khẩu và tài liệu này để biên soạn các sách Tin Mừng.

Sơ đồ:

 
5. Khi ghi lại các sách Tin Mừng, cộng đoàn tiên khởi nhắm mục đích nào?Cộng đoàn tiên khởi đã sống niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại. Vì thế, khi ghi lại các sách Tin Mừng, họ muốn tuyên xưng và truyền đạt niềm tin ấy cho muôn thế hệ.


6. Có bao nhiêu sách Tin Mừng?
Có bốn sách Tin Mừng:

1.   Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.
2.   Tin Mừng theo Thánh Mác-cô.
3.   Tin Mừng theo Thánh Lu-ca.
4.   Tin Mừng theo Thánh Gio-an.

Tuy nhiên chỉ có một Tin Mừng duy nhất là Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô.

7. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm gồm những sách nào?
Đó là ba sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca.


8. Tại sao gọi là các sách Tin Mừng Nhất Lãm?
Nhất Lãm là một cái nhìn chung duy nhất ("syn-opsis" ). Khi đặt các sách Tin Mừng Nhất Lãm thành ba cột song song, độc giả có thể nhận thấy một dàn bài chung với những điểm giống nhau và khác nhau.

Ví dụ: Đức Giê-su chịu phép rửa: Mt 3, 13 – 17 // Mc 1, 9 – 11 // Lc 3, 21 – 22.


9. Trong việc cử hành Phụng Vụ, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Trong Thánh Lễ, các sách Tin Mừng có vị trí hàng đầu:

-  Chỉ có những thừa tác viên có Chức Thánh ( Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế ) mới được công bố Tin Mừng.

-    Hội Thánh tỏ lòng tôn kính các sách Tin Mừng:

+ Cộng đoàn hát Ha-le-lui-a với lời tung hô Tin Mừng.
+   Thừa tác viên chào cộng đoàn.
+   Thừa tác viên rước và xông hương sách Tin Mừng trong các đại lễ.
+   Cộng đoàn đứng tung hô trước và sau khi nghe bài Tin Mừng.
+   Thừa tác viên hôn sách Tin Mừng.( x. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-ma số 35 ).

Ngoài ra, các sách Tin Mừng cũng được dùng khi cử hành các Bí Tích khác.


10. Trong đời sống Ki-tô hữu, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Trong đời sống Ki-tô hữu, các sách Tin Mừng giữ vai trò hết sức quan trọng khi ta:

- Cầu nguyện riêng và chung trong gia đình.
- Dạy và học Giáo Lý ( thiếu nhi, dự tòng, hôn nhân, người trưởng thành và các hoàn cảnh khác ).
- Chia sẻ Lời Chúa trong nhóm, trong các đoàn thể.


11. Cầu nguyện với Tin Mừng trong giờ kinh tối gia đình đem lại những lợi ích nào?
Mỗi bài Tin Mừng đọc trong giờ kinh tối gia đình giúp chúng ta gặp gỡ chính Thiên Chúa và từ đó quyết tâm thực hành một điểm cụ thể trong đời sống hằng ngày.

Xin đề nghị một mẫu Giờ Kinh Tối với Tin Mừng:
a. Làm dấu Thánh Giá, kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin Cậy Mến;
b. Kiểm điểm đời sống trong ngày;
c. Đọc bài Tin Mừng của ngày hôm sau  (xem Lịch Công Giáo );
d. Một ngưởi đọc bài suy niệm ngắn nếu có sẵn;
e. Thinh lặng ít phút để suy niệm bài Tin Mừng:

- Chúa vừa nói gì với tôi ?
- Tôi phải làm gì theo lời Chúa dạy ?

f. Cầu nguyện tự phát với bài Tin Mừng:

- Ngợi khen, cảm tạ Chúa.
- Xin một ơn cụ thể cho gia đình.
- Quyết tâm sống Lời Chúa dạy.

g. Lần chuỗi Mai Khôi;
h. Kinh Lạy Nữ Vương... Hát kết thúc.

12. Trong Giáo Lý, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Vì mục đích của Giáo Lý là gặp gỡ và yêu mến Đức Giê-su Ki-tô, mà các sách Tin Mừng thì ghi lại rất đầy đủ về con người, việc làm và những lời giảng dạy của Đức Giê-su Ki-tô, nên các sách Tin Mừng giữ vai trò ưu tiên trong Giáo Lý.


13. Khi giảng dạy Giáo Lý, các sách Tin Mừng được sử dụng như thế nào?
Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết được phương pháp giảng dạy Giáo Lý của Đức Giê-su Ki-tô. Người đã trực tiếp gặp gỡ mọi người, nhất là những người bình dân, nghèo khổ. Người trình bày Tin Mừng Nước Trời bằng các dụ ngôn dễ hiểu, bằng những câu đúc kết ngắn gọn, thích hợp với trình độ người nghe. Những nội dung quan trọng, Người lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức để ghi khắc vào lòng người nghe.

Vì thế, Giáo Lý viên rất cần học hỏi và áp dụng khoa sư phạm Giáo Lý của Đức Giê-su Ki-tô để việc trình bày Giáo Lý được sống động, đạt hiệu quả sâu xa nơi các học viên.

14. Giáo Lý viên cần phải sống Tin Mừng như thế nào?
Để nuôi dưỡng đời sống tâm linh, gia tăng lòng nhiệt thành Tông Đồ, Giáo Lý viên phải đọc, suy niệm và cầu nguyện với Tin Mừng mỗi ngày, nhờ đó mới có thể truyền đạt Giáo Lý, giúp các học viên gặp gỡ và yêu mến Đức Giê-su Ki-tô.


15. Trong các hoạt động Tông Đồ, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Một số nhóm hoạt động xã hội và tông đồ luôn dựa vào Lời Chúa trong các sách Tin Mừng như kim chỉ nam định hướng, như sức sống bổ dưỡng, như quyền năng tha thứ và chữa lành của Đức Giê-su Ki-tô. Ví dụ: Đối với các bệnh nhân, tù nhân, người già yếu, người hấp hối, người khuyết tật, trẻ em đường phố, các trường hợp hoàn lương, những người có ý định phá thai, những người gây ra hoặc bị bạo hành trong gia đình...

Riêng với việc giúp cai nghiện ma túy, có một phương pháp tạm gọi là “Tin Mừng Trị Liệu” giúp nạn nhân tuyên xưng lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, cắt được cơn nghiện, quyết tâm từ bỏ ma túy và hoán cải cả cuộc đời bằng cách kiên trì đọc, suy niệm và cầu nguyện với Tin Mừng (Xin liên hệ Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế, điện thoại số: 08.9.319.835, E-Mail:ttmvcssr@hcm.vnn.vn )


16. Với các hoạt động mục vụ khác, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Có thể kể ra các hoạt động mục vụ luôn gắn liền với các sách Tin Mừng:

- Giảng tĩnh tâm cho các Linh Mục, các Dòng tu;
- Giảng Đại Phúc cho các Giáo Xứ;
- Hướng dẫn các bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi.
- Mục vụ cho các giới, cho sinh viên, nhất là những bạn sống xa gia đình.
- Chầu Thánh Thể;
- Ngắm Đàng Thánh Giá;
- Lần chuỗi Mai Khôi;
- Suy Tôn Lời Chúa;
- Chia sẻ Lời Chúa...


17. Xin đề nghị một hình thức Suy Tôn Lời Chúa tổ chức trong khoảng 60 phút, diễn tiến như sau:
- Thừa tác viên cung nghinh sách Tin Mừng từ cuối Nhà Thờ lên cung thánh,
- Trong khi đó, cộng đoàn hát một bài thánh ca về Lời Chúa.
- Cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần.
- Cộng đoàn đọc chung bài Tin Mừng của Chúa Nhật sắp tới.
- Thinh lặng, mỗi người đọc thầm bài Tin Mừng.
- Thừa tác viên giúp cộng đoàn tìm hiểu bài Tin Mừng.
- Thinh lặng trong ít phút.
- Hát một bài thánh ca có nội dung phù hợp với bài Tin Mừng.
- Cộng đoàn đọc chung bài Tin Mừng lần thứ hai.
- Thừa tác viên đưa ra vài gợi ý áp dụng.
- Đặt Mình Thánh Chúa ( Sách Tin Mừng vẫn mở, đặt trên giá trước Mặt Nhật ).
- Hát một bài thánh ca về Thánh Thể.
- Có thể xướng lại một đôi câu Lời Chúa ngắn lấy từ bài Tin Mừng.
- Dâng 3 lời nguyện ngắn, kèm theo một câu hát.
- Hát một bài thánh ca về Thánh Thể.
- Lời nguyện và Phép Lành Thánh Thể của Linh Mục chủ sự.
- Kết thúc, hát một bài kính Đức Mẹ.
- Dặn dò cộng đoàn đọc trước bài Tin Mừng cho lần sau.


18. Trong việc chia sẻ Lời Chúa, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Các sách Tin Mừng là hành trang không thể thiếu được của mọi Ki-tô hữu trong việc sống Đạo của bản thân và giới thiệu Đạo cho người khác. Chia sẻ Lời Chúa trong một nhóm, với các bài trích từ các sách Tin Mừng sẽ giúp cho chúng ta:

- làm quen với Đức Giê-su Ki-tô và lời dạy của Người
- lắng nghe Đức Giê-su Ki-tô dạy bảo trong từng hoàn cảnh cụ thể.
- sửa mình và đổi đời theo đòi hỏi của Tin Mừng.


19. Xin đề nghị một hình thức Chia Sẻ Lời Chúa, diễn tiến như sau:
Các nhóm thường chọn bài Tin Mừng theo Phụng Vụ của Chúa Nhật sắp tới làm nội dung để chia sẻ. Xin đề nghị một mẫu chia sẻ Tin Mừng trong một nhóm từ 8 tới 10 người, trong khoảng 60 đến 90 phút:

a. Cầu nguyện mở đầu;
b. Đọc bài Tin Mừng:

- Mọi người cùng đọc, rồi thinh lặng vài phút.
- Một người đại diện đọc lại, rồi thinh lặng vài phút.
- Mỗi người đọc thầm một lần nữa, thinh lặng lâu hơn.
- Mỗi người đọc to lên một câu, một cụm từ, hoặc một từ đã đánh động mình và chia sẻ vắn tắt;

c.  Cầu nguyện cá nhân;
d. Nêu quyết tâm thực hành cụ thể của mỗi người và có thể của cả nhóm;
e. Cầu nguyện kết thúc.

Trong lần chia sẻ kế tiếp, sau khi cầu nguyện mở đầu, mỗi người sẽ chia sẻ kinh nghiệm đã sống quyết tâm như thế nào.


20. Đối với việc loan báo Tin Mừng, các sách Tin Mừng giữ vai trò nào?
Các sách Tin Mừng giữ vai trò chính yếu trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Người loan báo Tin Mừng, trước hết, là người đã gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô, cảm nghiệm sâu xa về Người ( 1 Ga 1, 3a: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa...” )

Người loan báo Tin Mừng dùng sách Tin Mừng như lời chứng sống động và xác thực về Đức Giê-su Ki-tô.

Công Đồng Va-ti-ca-nô 2 long trọng khẳng định: “Các sách Tin Mừng trung thành truyền lạinhững gì Đức Giê-su Ki-tô thật sự đã làm và đã dạy...” ( Hiến chế Mạc Khải số 19 ).

Từ đó, chính Đức Giê-su Ki-tô sẽ đến, làm cho Tin Mừng của Người thấm nhập tâm hồn người nghe, tác động, chữa lành, cứu thoát, đổi mới cuộc đời họ.

Như vậy, người loan báo Tin Mừng tiếp tục sứ mạng của Đức Giê-su Ki-tô:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.Người đã sai tôi đi công bốcho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,cho người mù biết họ được sáng mắt,trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”
( Lc 4, 18 – 19 ).

NHÓM TÔNG ĐỒ KINH THÁNH





Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.